Cập nhật: 19/12/2012 15:04:45 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2012, kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, tác động không nhỏ tới Việt Nam. Trong bối cảnh đó, nước ta đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và đã đạt được những thành công nhất định.

Kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát được kiềm chế

 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2012 dự báo được kiềm chế ở mức khoảng 7,5%. So với đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm, cơ cấu tín dụng có chuyển biến theo hướng tăng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghệ phụ trợ. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2012 bằng 4,8% GDP. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2012 ước thực hiện bằng 29,5% GDP.

 

Mặc dù kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu vẫn đạt được những kết quả tích cực: Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 ước đạt 114,5 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2011, cao hơn so với chỉ tiêu kế hoạch; nhập khẩu ước tăng 7,7%. Nhập siêu khoảng 500 triệu USD, chiếm 0,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

Việc giảm mạnh tốc độ tăng nhập khẩu và giảm nhập siêu đã góp phần cân đối ngoại tệ, ổn định tỷ giá, nhưng mặt khác cho thấy nhu cầu nhập khẩu phục vụ cho đầu tư và sản xuất đang có xu hướng giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu trong thời gian tới.

 

Tăng trưởng GDP cả năm 2012 ước đạt trên 5,1%, thấp hơn kế hoạch (6-6,5%) nhưng quý sau cao hơn quý trước và có dấu hiệu cải thiện. Quy mô nền kinh tế năm 2012 ước đạt khoảng 136 tỷ USD với thu nhập bình quân đầu người đạt trên 1.540 USD. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, đạt được kết quả tốt; giá trị tăng thêm của nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,6%; công nghiệp và xây dựng ước tăng 5%; dịch vụ ước tăng 6,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 18%.

 

Đáng chú ý, các đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tín dụng và đầu tư được triển khai đồng bộ, đem lại những kết quả bước đầu. Đáng chú ý, trong năm 2012, các Bộ, ngành và địa phương đã rà soát, đánh giá lại các dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý, đã chú ý ưu tiên tập trung vốn cho các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, sớm hoàn thành trong năm 2012-2013; kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư đã được tăng cường. Các Bộ, ngành và địa phương cũng đã từng bước thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn, rà soát lại và thực hiện phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho cả thời kỳ 2012 – 2015; bước đầu thống kê, tập hợp số nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, phấn đấu đến năm 2015 phải hoàn tất thanh toán số nợ đọng nói trên.

 

Được biết, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện việc tái cơ cấu đầu tư công, đang khẩn trương nghiên cứu khuôn khổ pháp lý để xây dựng Kế hoạch đầy tư trung hạn, Luật Đầu tư công, Luật đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc cho các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, trong các ngành công nghệ cao, giá trị tăng cao.

 

Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng được phê duyệt với lộ trình cụ thể là cơ sở pháp lý cho việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Nhờ việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, việc cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng: Cơ bản kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, thanh khoản của hệ thống nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng được cải thiện đáng kể, nguy cơ rủi ro mất an toàn hệ thống đã được đẩy lùi.

 

Một số vấn đề cần sớm được giải quyết

 

Bên cạnh kết quả đạt được, trong năm 2012 tình hình kinh tế vẫn còn những tồn tại nhất định, cần sớm được giải quyết. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2012 còn 5 chỉ tiêu chưa đạt được kế hoạch đặt ra. Trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng GDP thấp hơn kế hoạch, chỉ tiêu tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP không đạt (29,5% so với 33,5%) kéo theo hai chỉ tiêu giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt thấp. Năm 2012, diện tích rừng tăng thêm vẫn đạt mức đề ra, nhưng chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng không đạt kế hoạch do có sự điều chỉnh số liệu gốc so sánh năm 2011. Bên cạnh đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng dư nợ tín dụng năm 2012 tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn; tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng chậm được giải quyết. Đặc biệt, thị trường bất động sản trầm lắng, chưa có khả năng phục hồi. Cùng với đó, thị trường chứng khoán tiếp tục sụt giảm mạnh.

 

Ngoài ra, khu vực doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khó vay vốn tín dụng, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng; sản xuất kinh doanh phục hồi chậm; sức mua của thị trường trong nước thấp; tồn kho một số ngành còn ở mức cao. Đáng chú ý, tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được ngăn chặn hiệu quả, ảnh hưởng xấu đến sản xuất trong nước....

 

Khắc phục khó khăn cho nền kinh tế năm 2013

 

Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2013, kinh tế thế giới còn tiếp tục khó khăn, phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Năm 2013 cũng là năm bản lề của kế hoạch 5 năm nhưng chỉ tiêu sau 2 năm thực hiện vẫn còn khá thấp so với mức đề ra cho cả thời kỳ 2011-2015. Cùng với đó, thu ngân sách nhà nước cũng gặp khó khăn do các khó khăn chung của sản xuất kinh doanh 2 năm gần đây trong khi vẫn phải dành nhiều nguồn lực để đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu...Để khắc phục những khó khăn trên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2013, Việt Nam cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để bảo đảm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều chỉnh giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý theo lộ trình một cách linh hoạt với liều lượng hợp lý.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng, giảm hàng tồn kho, thông qua việc thực hiện tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, hỗ trợ tín dụng cho sản xuất và tiêu dùng; đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, quản lý chặt việc buôn bán qua biên giới. Đồng thời, Việt Nam cần giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân; tập trung giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Cùng với đó, Chính phủ cũng sẽ tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách.

 

Một giải pháp nữa cần triển khai, đó là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tồn kho của bất động sản liên quan trực tiếp tới tình trạng nợ xấu trong hệ thống tín dụng, sự đóng băng của thị trường này cũng tác động tiêu cực tới các ngành sản xuất khác. Trong năm 2013, Chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp nhằm từng bước khôi phục lại thị trường bất động sản như: mở rộng tín dụng cho vay mua nhà, rà soát dự án đã giao để xác định cụ thể các biện pháp xử lý, đẩy mạnh thu hút nguồn vốn nước ngoài tham gia thị trường...

 

 

Theo Tường Linh/Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm