Cập nhật: 24/01/2013 09:27:51 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mới đây, tại Hà Nội, Cơ quan Xúc tiến thương mại đầu tư Nhật Bản (JETRO) phối hợp với Viện Chiến lược phát triển (DSI) tổ chức công bố kết quả “Điều tra về tình hình hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương.”

Đây là lần công bố thứ 26 của JETRO, trong bản công bố này cũng tóm tắt tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

 

Doanh nghiệp Nhật Bản hiện đầu tư vào 20 nước và khu vực bao gồm 5 nước khu vực Đông Bắc Á, 9 nước ASEAN, 4 nước Tây Á và hai nước châu Đại Dương (tỷ lệ đầu tư trực tiếp của Nhật Bản chiếm trên 10% số doanh nghiệp).

 

Tại Việt Nam, theo công bố của JETRO, năm 2011, 2012 là hai năm liên tiếp ghi kỷ lục mới, cao nhất về đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. Cụ thể năm 2012, đầu tư của Nhật Bản chiếm một phần tư tổng số dự án đầu tư mới, tương đương với khoảng 50% tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam. Thách thức hiện nay là làm thế nào duy trì đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, hay tiếp tục khuyến khích đầu tư của Nhật Bản.

 

Năm 2013, theo đánh giá, mặc dù có những quan điểm cho rằng việc tăng cường đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ không dễ dàng do kinh tế khó khăn của Việt Nam cũng như suy giảm của nền kinh tế thế giới, nhưng JETRO vẫn nhận định trong năm nay sẽ có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam hơn nữa và đạt được kết quả kinh doanh tốt.

 

Dự đoán tỷ lệ kinh doanh năm 2013 của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, theo báo cáo, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời tình hình kinh doanh sẽ cải thiện đạt 34,2 điểm, tăng 13,8 điểm so với năm trước. Khi hỏi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở nước ngoài về phương hướng triển khai công việc trong 1, 2 năm tới, 57,8% tổng số doanh nghiệp được hỏi trả lời sẽ mở rộng, trong đó, số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trả lời sẽ mở rộng chiếm tới 65,9 %, cao hơn so với bình quân. Mặc dù, đây là năm thứ 2 liên tiếp tỷ lệ này giảm nhưng tỷ lệ số doanh nghiệp trả lời sẽ mở rộng tại Thái Lan và Trung Quốc giảm hơn 5 điểm so với Việt Nam.

 

Báo cáo của JETRO cũng cho thấy, thách thức lớn nhất về mặt kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại châu Á, châu Đại Dương đang phải đối mặt là lo ngại về việc tăng lương cho nhân viên, lên tới 71%, đặc biệt là Trung Quốc với 84%, Indonesia 82%, Việt Nam 82%, Thái Lan 78%.

 

Ngoài ra, năng lực, ý thức của người lao động địa phương, chất lượng của người lao động, khó khăn trong việc tuyển chọn nhân tài ứng cử làm lãnh đạo cũng được xếp vào là những vấn đề lớn đang tồn tại ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề này đang được sự quan tâm của chính phủ Việt Nam.

 

Báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam đang phải đối mặt như vấn đề nội địa hóa nguyên liệu, linh kiện của Việt Nam còn thấp...

 

Báo cáo của JETRO cũng đề cập khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại một số nước khu vực ASEAN với Nhật Bản, trong đó đáng phải kể đến Thái Lan.

 

Cụ thể, năm 2011, FDI của các nước trên thế giới vào Thái Lan là 904 dự án, với tổng số vốn đầu tư khoảng 9,1 tỷ USD. Nếu so sánh với vốn đầu tư FDI vào Việt Nam thì FDI đầu tư vào Thái Lan ít hơn khoảng 20% cả về số dự án và tổng vốn đầu tư.

 

Thế nhưng, nếu chỉ so sánh FDI của riêng Nhật Bản thì FDI của Nhật Bản vào Thái Lan nhiều gấp khoảng 2,3 lần số dự án; và gấp khoảng 2,8 lần tổng vốn FDI của Nhật vào Việt Nam. Từ con số này, JETRO khuyến nghị Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của Thái Lan, để có thể duy trì, nuôi dưỡng "khí thế" đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.

 

Ngoài ra, báo cáo của JETRO cũng xem xét thu hút đầu tư của Indonesia. Nếu so sánh vốn FDI của các nước trên thế giới vào Việt Nam, thì số vốn đầu tư vào Indonesia nhiều gấp khoảng 4 lần số dự án, gấp khoảng 1,7 lần tổng số vốn đầu tư. Nếu so sánh vốn đầu tư FDI của Nhật Bản vào Indonesia và Việt Nam, thì tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn 20%, nhưng số dự án đầu tư vào Indonesia gấp 2 lần Việt Nam./.

 

 

Theo TTXVN                                                                             

Tệp đính kèm