Thị trường hàng hóa đang bước vào thời điểm sôi động nhất bởi chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Dạo quanh phố xá thời điểm này đều nhận thấy, hàng Tết thương hiệu Việt thực sự đã cạnh tranh được với hàng nhập ngoại.
Khảo sát những hệ thống siêu thị lớn như Big C, Hapro, Vinatex Mart, Fivimart đến những chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội có thể thấy, số lượng thực phẩm Tết mang thương hiệu Việt chiếm đến 90%. Có thể kể đến những nhóm hàng Việt gần như độc quyền chiếm lĩnh thị trường phục vụ Tết Nguyên đán như cà phê Trung Nguyên, sữa Vinamilk, bánh Kinh Đô, Bibica, thực phẩm Vissan, Đức Việt... Đây không chỉ là những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của nước ta, mà còn do chất lượng sản phẩm và khẩu vị ngon, được người tiêu dùng ưa thích, lựa chọn. Ngoài những cải tiến về chất lượng, các mặt hàng Tết năm nay được nâng cấp nhiều về mẫu mã, phong phú về chủng loại. Điều này cho thấy sự quan tâm của các nhà sản xuất đối với thị hiếu người tiêu dùng đã được nâng cao.
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương Võ Văn Quyền, đây là một tín hiệu đáng mừng bởi thị trường Tết Quý Tỵ năm nay ghi nhận sự xâm nhập của phần lớn các sản phẩm nội địa với chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả phù hợp với nhiều phân khúc người tiêu dùng. Mặc dù nền kinh tế khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn nỗ lực phấn đấu để cạnh tranh với các hàng hóa ngoại nhập. Bên cạnh đó, cũng cần phải kể đến những thay đổi trong tâm lý của người tiêu dùng Việt Nam khi đã không còn quá coi trọng giá cả mà trên hết là chất lượng sản phẩm.
Theo một khảo sát của hãng Nielsen (Hoa Kỳ) chuyên về nghiên cứu thị trường thì có đến 90% và 83% người tiêu dùng được khảo sát lần lượt ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cho rằng hàng Việt Nam là ưu tiên hàng đầu khi mua hàng, nhờ giá cả hợp lý và mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Điều này có thể khẳng định rằng, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã có tác động rất lớn đến người tiêu dùng. Giờ đây người Việt đã và đang có cái nhìn tích cực hơn với các sản phẩm hàng hóa được sản xuất trong nước. Thay vì sử dụng hàng nhập khẩu từ nước ngoài thì người tiêu dùng có thể ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước bởi chất lượng, giá cả cũng như công dụng sản phẩm cũng đã tương đương nhau. Đây là một bước ngoặt lớn, góp phần hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nội địa.
Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là các mặt hàng được dùng trong các chương trình khuyến mại, giảm giá vẫn chưa được người tiêu dùng thực sự yên tâm. Cùng với đó, công tác đấu tranh và phòng ngừa hàng nhái, hàng giả vẫn chưa thực sự tốt, gây tâm lý tiêu cực đến người tiêu dùng. Do vậy, cần có sự tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường thời điểm trước, trong và sau Tết Quý Tỵ. Ngoài việc đẩy mạnh kiểm tra ở các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh tại các chợ bán buôn, bán lẻ, các cửa hàng, các điểm trung chuyển hàng hóa... Cục Quản lý thị trường cũng đã chỉ đạo tới các Chi cục trên cả nước tăng cường nắm tình hình địa bàn, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm; tăng tần suất kiểm tra các điểm kinh doanh trái phép, điểm nóng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại…
Ngoài ra, Bộ Tài chính tiếp tục kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Đồng thời, xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi lợi dụng tăng giá, phí tùy tiện, trái pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Thanh Tú/Báo điện tử ĐBND