Cập nhật: 13/02/2013 09:43:48 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dệt may 4 năm liên tiếp dẫn đầu nhóm hàng xuất khẩu cả nước, tháng 1/2013 tăng trưởng tới 24,8%, nhưng vẫn chưa được coi là bền vững.

 Năm 2013, khởi đầu tiếp tục... sáng

 

Đánh giá này được nhiều chuyên gia và giới trong ngành đưa ra sau khi năm 2012 xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã đạt tăng trưởng cao. Hơn nữa, ngay tháng 1/2013, chỉ số kim ngạch và đơn hàng xuất khẩu của ngành này tăng mạnh càng củng cố niềm tin rằng năm nay xuất khẩu dệt may tiếp tục “gặt hái” thành quả.

 

Theo Bộ Công thương, ngay tháng đầu năm 2013, dệt may đã có khởi đầu rất tốt với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,05 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ. Tính tới thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành dệt may đã nhận được đơn đặt hàng đến hết quý I/2013. Một số doanh nghiệp lớn đã nhận được đơn hàng đến quý II, quý III năm nay. Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) còn cho biết, theo phản ảnh của các doanh nghiệp dệt may, tình hình đơn hàng trong năm 2013 nhìn chung tốt hơn hơn so với cùng kỳ năm 2012.

 

Trở lại với kết quả xuất khẩu dệt may năm vừa qua, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: Năm 2012, ngành dệt may Việt Nam đã về đích thành công với 17,2 tỷ USD kim ngạch, đạt mức tăng trưởng 8,5% so với năm 2011. Đặc biệt, theo ông Trường, đây là lần thứ 4 liên tiếp ngành dệt may đứng đầu trong nhóm ngành hàng xuất khẩu của cả nước.

 

Với thành tích nổi bật mấy năm gần đây, nhất là năm 2012, có thể ví xuất khẩu dệt may như một vệt sáng góp phần rất quan trọng cho thành tích xuất khẩu chung của cả nước năm qua. Vệt sáng này đặc biệt có giá trị khi nó diễn ra trong bối cảnh năm 2012 là năm có nhiều biến động bất lợi. Song, xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam sang các thị trường vẫn tăng trưởng ổn định.

 

Ông Trường lấy ví dụ: Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mỹ đạt 7,5 tỷ USD, tăng gần 9,2% so với cùng kỳ; Nhật Bản đạt 2 tỷ USD, tăng 19,3%; Hàn Quốc đạt 1,3 tỷ USD tăng 9%; Các thị trường khác như Liên Xô cũ, Châu Phi, Trung Đông… đạt 3,7 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ; Duy chỉ có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU giảm từ 2,8 tỷ USD năm 2011 xuống 2,4 tỷ USD năm 2012.

 

Nhấn mạnh vệt sáng của xuất khẩu dệt may Việt Nam năm qua, ông Trường còn chỉ ra thêm rằng, năm 2012 là năm đầy thách thức với ngành dệt may Việt Nam khi mà tổng cầu sản phẩm dệt may của thế giới giảm 1%, từ 704 tỷ USD năm 2011 xuống còn 696,9 tỷ USD năm 2012. Bản thân các thị trường lớn của ngành dệt may Việt Nam cũng không mở rộng thêm, thậm chí còn giảm đi, như: Mỹ giảm 0,5%, EU giảm 9%, Hàn Quốc giảm 7%, chỉ có thị trường Nhật Bản là tăng 8%.

 

Thành tích vừa qua, theo đánh giá của ông Lê Tiến Trường, đã chứng tỏ được sự vững vàng về thị phần ở những thị trường truyền thống và sức bật tương đối mạnh ở những thị trường mới của xuất khẩu dệt may Việt Nam. Đồng thời, nó còn chứng tỏ uy tín của ngành dệt may Việt Nam trên bản đồ dệt may thế giới đã được nâng lên một bậc.

 

Thừa thắng xông lên?

 

Trong khi nhiều nước giảm hoặc tăng chậm nhập khẩu dệt may thì xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang các nước này vẫn tăng trưởng ổn định trong năm 2012. Cụ thể, thị trường Mỹ giảm 5% nhập khẩu dệt may, nhưng vẫn tăng 9,2% nhập khẩu dệt may từ Việt Nam. Hàn Quốc cũng giảm 7% nhập khẩu dệt may, nhưng nước này vẫn tăng 9% nhập khẩu dệt may từ Việt Nam.

 

Những con số này cho thấy, dệt may Việt Nam đang ngày càng tạo được uy tín và có tính cạnh tranh cao trên thị trường thế giới. Nhìn chung, từ năm 2000 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam luôn tăng trưởng khá, trung bình tăng 20%/năm.

 

 Thạc sĩ Nguyễn Quang Hiệp, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên, nhận định: Năm 2012, xuất khẩu của Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng khá. Đóng góp vào đó, sản phẩm dệt may vẫn là một trong các sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu, vì đây là một trong những sản phẩm thiết yếu cho đời sống. Do vậy, dù kinh tế thế giới khó khăn, xuất khẩu dệt may của nước ta vẫn có thể đạt mức rất cao.

 

Đưa ra dự báo tổng tiêu dùng hàng dệt may của toàn thế giới năm 2013, ông Lê Tiến Trường cho biết, con số cụ thể sẽ ở mức 713 tỷ USD, tăng 2,32 so với năm 2012. Trong đó, Mỹ được dự báo sẽ nhập khẩu khoảng 103 tỷ USD, tăng 3,01%; EU tiếp tục suy giảm nhưng chỉ ở mức khoảng 2,6% đạt 234 tỷ USD; Nhật Bản nhập khẩu 49 tỷ USD, tăng trưởng 10%; Hàn Quốc duy trì ở mức 10,5 tỷ USD và các thị trường khác tăng khoảng 5% đạt ngưỡng 315 tỷ USD….

 

Sở dĩ có thể đưa ra dự báo như trên, ông Trường giải thích: Theo dự báo của các tổ chức dự báo trên thế giới, tăng trưởng GDP của năm 2013 nhìn chung chỉ tương đương với mức tăng trưởng của năm 2012, duy chỉ có Mỹ có mức tăng trưởng 2,3% so với 2,1% của năm 2012. EU chỉ tăng 0,4% so với mức -0,3 của năm nay. Nhật Bản sẽ tăng GDP 1,69%; Hàn Quốc dự kiến tăng 3,5-3,6%...

 

Với những căn cứ trên, đánh giá triển vọng xuất khẩu dệt may năm 2013, ông Trường cho biết, nhìn chung thị trường của ngành dệt may năm 2013 sẽ không tăng mạnh. Tuy nhiên, vẫn có những tín hiệu tốt hơn. Tiêu biểu là việc Việt Nam đang tích cực đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do (FTA), đây là những Hiệp định rất quan trọng đối với một ngành xuất khẩu như dệt may. Nếu thành công, theo ông Trường, đây sẽ là bước chuyển mới, cơ hội mới cho ngành dệt may.

 

Vì thế, năm 2013, ngành dệt may dự kiến phấn đấu đạt 18,8 - 19,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, đạt tốc độ tăng trưởng từ 10,4-12%. Trong đó, theo ông Trường, mục tiêu cụ thể là sẽ xuất khẩu sang thị trường Mỹ là 8,5 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2012; EU 2,4 tỷ USD; Nhật Bản 2,4 USD, tăng 18%; Hàn Quốc 1,5 tỷ USD, tăng 15%.

 

Vẫn lấn cấn về tính bền vững

 

Trong công trình nghiên cứu “Chất lượng tăng trưởng ở Việt Nam: Thách thức và triển vọng kinh tế 2013-2015” của PGS, TS Nguyễn Việt Hùng và NCS Hồ Đắc Nghĩa (Đại học Kinh tế Quốc dân) có chỉ ra rằng, tỷ lệ xuất khẩu so với GDP của Việt Nam khá cao và thuộc loại cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, nếu so về giá trị sản xuất thì tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 27-30%. Tỷ trọng xuất khẩu gia công, lắp ráp lớn, trong đó có ngành dệt may.

 

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, Đại học Bách khoa Hà Nội, dệt may là mặt hàng nằm trong nhóm chủ lực hàng xuất khẩu của Việt Nam, vốn có tốc độ tăng trưởng khá và nằm trong nhóm chiếm khoảng 20% giá trị kim ngạch xuất khẩu, nhưng vẫn là mặt hàng có giá trị gia tăng thấp, chủ yếu nằm ở tiền gia công, sử dụng lao động ở mức rẻ nhất trong khu vực.

 

Cụ thể, theo phân tích của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, trong chuỗi giá trị toàn cầu, dệt may có khâu đạt lợi nhuận cao nhất là thiết kế mẫu, cung cấp nguyên phụ liệu và thương mại được làm ở các trung tâm thời trang thế giới tại Paris, London, New York... vải được sản xuất ở Trung Quốc, phụ liệu khác được làm tại Ấn Độ. Việt Nam chỉ tham gia vào khâu sản xuất sản phẩm cuối cùng với lượng giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị nhờ có chi phí nhân công thấp.

 

Theo ước tính, khoảng gần 90% doanh nghiệp may mặc của Việt Nam tham gia vào khâu này của chuỗi giá trị dưới hình thức gia công.

 

Không những thế, theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên liệu thô và các đầu vào trung gian làm cho bài toán giá trị gia tăng càng thêm nan giải. Ví dụ, để có 15,09 tỷ USD kim ngạch hàng dệt may, các doanh nghiệp phải nhập 1,4 tỷ USD xơ, sợi dệt; 7,04 tỷ USD vải các loại và một phần trong số 3,16 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may, da giày, chưa kể tới nhập khẩu máy móc, thiết bị.../.

 

 

 

Theo Xuân Thân/VOV online

Tệp đính kèm