Cập nhật: 16/03/2013 09:49:34 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mới đây, tại Hà Nội, Thời báo Kinh tế Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn CEO với chủ đề “Quản trị khủng hoảng”. Tại đây, các chuyên gia cùng với doanh nghiệp đã trao đổi nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn từ tiếp cận nguồn vốn, chính sách thuế, thị trường.

 

Theo báo cáo tại Diễn đàn, tính đến hết năm 2012, cả nước có hơn 54.000 doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động. Tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động trong một số ngành ở mức cao như: Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, kinh doanh bất động sản. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2013, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế trong nước.

 

Tại Diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh -  Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: Với những khó khăn hiện nay, đòi hỏi các doanh nghiệp cần quyết tâm để vượt qua. Trước hết, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động tái cơ cấu, kiểm soát chặt chẽ việc tính toán các yếu tố đầu vào, tiết giảm chi phí, khơi thông đầu ra cho hàng hóa bằng cách củng cố hệ thống phân phối, để sản phẩm hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất. Đặc biệt, đối với những khó khăn về vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần chủ động thay đổi phương thức huy động theo hướng đa dạng hoá việc huy động các nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Liên quan đến các vấn đề về vốn, bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, trong năm 2013, Chính phủ sẽ điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát thấp hơn; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Trước mắt, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14-16%, tín dụng tăng khoảng 12% và căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế để điều chỉnh phù hợp.

 

Đại diện doanh nghiệp - ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tôn Hoa Sen - chia sẻ: Hiện nay, nhiều mặt hàng sản xuất chưa được quan tâm phát triển để xuất khẩu. Trong vòng hơn 10 năm tới, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ là khu vực phát triển năng động nhất. Cho nên, đây là cơ hội tốt nhất nhằm khắc phục khủng hoảng để tồn tại và phát triển. Ông Lê Phước Vũ nhấn mạnh: Chúng ta phải xem lại nội lực của mình, phải đầu tư thực sự hiệu quả; phải có trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng khi sử dụng đồng vốn.

 

Bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ông Hồ Sỹ Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm, khai thác và mở rộng thêm nhiều thị trường mới. Cùng với đó là việc tận dụng những nguyên liệu sẵn có trong nước để giảm chi phí sản xuất, đồng thời, kích thích tiêu thụ hàng trong nước

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm