Theo quy ước, ngày 22-3 hằng năm được Ðại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) chọn làm Ngày nước thế giới và ngày 23-3 là Ngày khí tượng thế giới. Chủ đề của Ngày nước thế giới và Ngày khí tượng thế giới hằng năm được LHQ lựa chọn cho phù hợp yêu cầu gìn giữ, bảo vệ môi trường sống trên trái đất vì sự phát triển bền vững của xã hội loài người. Ðây là những chủ đề định hướng cho cộng đồng các quốc gia trên thế giới hưởng ứng bằng các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại do thời tiết, khí hậu và môi trường gây ra.
Biến đổi khí hậu-rào cản của sự phát triển
Những thập kỷ gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng biểu hiện rõ nét đã và đang tác động xấu đến sự phát triển của loài người trên trái đất, nhất là ở các quốc gia có khí hậu khắc nghiệt và các nước chậm phát triển. Các nhà khoa học về khí tượng, thủy văn trên thế giới đã chứng minh được rằng, hoạt động phát triển kinh tế của xã hội loài người là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, rõ nét nhất là trái đất đang nóng lên do tầng khí ô-dôn bị suy giảm bởi khí thải công nghiệp gây ra. Biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang làm mực nước biển dâng lên, hạn hán, lũ lụt ngày một gia tăng do các hiện tượng cực đoan, bất thường của thời tiết xảy ra ngày một nhiều hơn, đe dọa đến an ninh lương thực và cuộc sống của hàng trăm triệu con người trên trái đất.
Trước những tác động ngày càng xấu của thời tiết, khí hậu, Ngày nước thế giới 22-3-2009 được Ðại hội đồng LHQ chọn chủ đề "Chia sẻ nguồn nước, chia sẻ cơ hội" và Ngày khí tượng thế giới 23-3-2009 được chọn chủ đề "Thời tiết, khí hậu và không khí chúng ta đang thở". Trong bức thông điệp của ông Michel Jarraud, Tổng thư ký Tổ chức khí tượng thế giới nhân ngày khí tượng thế giới năm nay cho rằng: Các chủ đề này đặc biệt phù hợp thời điểm hiện tại khi mà cộng đồng các quốc gia trên thế giới đang đoàn kết chặt chẽ để thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ trong các lĩnh vực sức khỏe, lương thực, nước sạch, xóa đói, giảm nghèo, cũng như tăng cường hiệu quả trong phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Các nhà khoa học, các chuyên gia về y tế cũng đang thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mối quan hệ chặt chẽ giữa thời tiết, khí hậu và các thành phần của không khí chúng ta đang thở và những tác động của chúng đến sức khỏe con người. Thời tiết, khí hậu và nguồn nước luôn gắn chặt với đời sống và các hoạt động của con người. Nhiều hoạt động thiếu tính khoa học của con người đã và đang tác động trực tiếp đến biến đổi khí hậu và suy giảm chất lượng môi trường sống như nguồn nước và không khí. Việc phát khí thải công nghiệp ngày một gia tăng trong các thập kỷ qua vào khí quyển các loại khí và phân tử có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Nhiều loại bệnh như hen suyễn, tim mạch, ung thư phổi và các loại bệnh khác ngày một tăng do suy giảm chất lượng không khí và nguồn nước gây ra.
Những thách thức trước biến đổi khí hậu ở nước ta
Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, lại có địa hình và thời tiết rất phức tạp, nước ta là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai ở khu vực châu Á. Hầu như năm nào các loại thiên tai như lũ, bão, hạn hán, ngập lụt... cũng gây thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản, sản xuất khi ở vùng này, khi ở vùng kia trên địa bàn đất nước. Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, bão, lũ, úng ngập, hạn hán xảy ra ở nước ta ngày một nhiều hơn, thậm chí còn phá vỡ cả quy luật thời tiết. Các hiện tượng thời tiết bất thường đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác cảnh báo, dự báo thời tiết ở nước ta nhất là trong khi trình độ dự báo hạn chế. Trận mưa lớn hiếm thấy xảy ra vào cuối tháng 10, đầu tháng 11-2008 ở các tỉnh thuộc Bắc Bộ, khi khu vực này đã ở vào thời kỳ mùa khô là một điển hình. Gần đây nhất, ngày 7-3-2009, trận mưa xảy ra vào giữa mùa khô ở TP Hồ Chí Minh, với lượng mưa đo được trong ba giờ tại Ðài khí tượng thủy văn (KTTV) khu vực Nam Bộ (nằm ở giữa thành phố) là 117 mm, gây ngập lụt nghiêm trọng trên nhiều tuyến phố cũng là những hiện tượng hiếm thấy.
Theo nhận định của các nhà khoa học về khí tượng, thủy văn trên thế giới nước ta là một trong năm quốc gia trên thế giới chịu tác động sớm nhất, nặng nề nhất của biến đổi khí hậu gây ra. Nếu đúng như nhận định, đến cuối thế kỷ này, mức nước biển dâng cao 0,7 m thì ở nước ta hàng triệu ha đất canh tác ở những vùng thấp ven biển sẽ bị ngập nước, hơn mười triệu người phải di dời khỏi nơi ở cũ. Ðó là nguy cơ lớn nhất, khó khăn nhất chúng ta phải đối mặt. Ðể chủ động ứng phó hiện tượng biến đổi khí hậu, Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu. Ðể thực hiện mục tiêu của chương trình này cần các giải pháp đồng bộ. Có các giải pháp trước mắt và các giải pháp lâu dài. Tuy nhiên, giải pháp nào cũng cần được triển khai sớm thì việc đối phó mới đem lại hiệu quả. Ðối phó các hiện tượng bão, lũ, ngập lụt, hạn hán ngày một gia tăng và mang tính thất thường là các giải pháp trước mắt, nhất là giải pháp khắc phục tình trạng ngập lụt ở các đô thị ven biển. Chống và né tránh nước biển dâng cao, bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống cho dân cư ở các vùng thấp ven biển là giải pháp lâu dài, cần được lựa chọn hợp lý, bảo đảm yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật, cũng như tính khả thi và ổn định lâu dài. Việc cần triển khai ngay là bảo vệ và phát triển diện tích rừng ngập mặn ven biển.
Ðể phục vụ tốt cho công tác phòng, chống thiên tai và mục tiêu của chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu, các cơ quan chức năng, các ngành kinh tế, quốc phòng và cộng đồng xã hội đang đòi hỏi công tác dự báo KTTV cảnh báo thiên tai bảo đảm mức độ dự báo sớm hơn, chính xác hơn, dễ hiểu hơn. Trước đòi hỏi này, ngành KTTV đang triển khai các giải pháp mở rộng mạng lưới quan trắc, bổ sung các trạm quan trắc chất lượng nguồn nước, chất lượng không khí; từng bước đổi mới máy móc thiết bị quan trắc, sắp xếp lại tổ chức và nâng cao trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quan trắc viên, dự báo viên; chuẩn hóa và thống nhất nội dung các quy định, quy trình về dự báo KTTV trên phạm vi toàn quốc. Các bảng tin dự báo KTTV sẽ được cải tiến nội dung, tăng thêm các điểm dự báo, các yếu tố dự báo để phục vụ cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Việc đổi mới và nâng cấp toàn diện trong công tác dự báo KTTV, cảnh báo thiên tai sẽ đáp ứng ngày một tốt hơn cho việc phòng, chống thiên tai và chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu của đất nước trong những năm tới.
Theo ND