Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng trở lại đây, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguyên nhân do phẩy khuẩn tả xuất hiện trở lại tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Bắc. Theo thông báo của Bộ Y tế ngày 12-5, sau Hà Nội và Bắc Ninh, mới đây có thêm 3 tỉnh, thành ghi nhận bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm là Thanh Hóa, Hải Phòng và Nam Định. Nguy cơ dịch tiếp tục lan rộng là rất lớn.
Bệnh nhân nhập viện đang tăng
Kể từ khi xác định trường hợp bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nguy hiểm dương tính với phẩy khuẩn tả đầu tiên trong năm nay vào giữa tháng 4 vừa qua, đến nay Bệnh viện E Trung ương vẫn là nơi tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nhiều nhất trên địa bàn Hà Nội.
Điển hình là trong đêm 8-5, có 8 bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nặng nhập viện điều trị, tính rộng hơn từ 5-5 đến nay bệnh viện này đã tiếp nhận điều trị cho 15 bệnh nhân, trong đó có 10 bệnh nhân qua soi tươi cho kết quả dương tính với phẩy khuẩn tả. Theo nhận định của ngành y tế Hà Nội, nguy cơ dịch tiêu chảy cấp tiếp tục tăng mạnh và lan rộng trong thời gian tới là rất lớn, vì thời tiết nóng, ẩm trong mùa hè là điều kiện thuận lợi cho khuẩn tả phát triển gây bệnh.
Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ ngày 6 đến 11-5-2009, ghi nhận 5 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả tại 3 địa phương (Thanh Hóa: 3, Bắc Ninh: 1, Nam Định: 1) trong số 54 trường hợp tiêu chảy cấp. Như vậy, tích lũy từ ngày 20-4-2009 đến nay, cả nước đã ghi nhận 25 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả trên tổng số 124 bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp, tại 5 tỉnh/thành gồm: Hà Nội (5 trường hợp), Bắc Ninh (9 trường hợp), Hải Phòng (5 trường hợp), Thanh Hóa (7 trường hợp) và Nam Định (1 trường hợp).
Trên thực tế, mấy ngày gần đây Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Đống Đa cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân tiêu chảy nhập viện, trong đó có cả những trường hợp bị tiêu chảy cấp nguy hiểm nhập viện trong tình trạng nặng. Trao đổi với phóng viên ANTĐ ngày 12-5, bà Nguyễn Thị Bích Đào - Giám đốc Bệnh viện Đống Đa cho biết, hiện có 7 bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nặng nghi tả đang được điều trị tại khu vực cách ly trên tầng 2 của Khoa Truyền nhiễm, còn tầng 3 thì dành riêng để sẵn sàng tiếp đón điều trị cho bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 nếu có.
Mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân nghi tả này đã được gửi tới Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xác định kết quả. Đặc biệt, sáng 12-5, có một cụ ông, 79 tuổi vào cấp cứu tại bệnh viện đã tử vong sau đó ít giờ với triệu chứng tiêu chảy. Tuy nhiên, bà Đào khẳng định, qua xét nghiệm bệnh nhân này âm tính với phẩy khuẩn tả, nguyên nhân tử vong là do nhồi máu cơ tim, vì bệnh nhân vào cấp cứu do bị nghẹn (đi ăn cỗ) và có triệu chứng suy tim.
Cũng theo bà Đào, ngay sau khi có bệnh nhân, bệnh viện đã báo cáo cho Trung tâm Y tế dự phòng thành phố theo đúng quy trình chống dịch, tiến hành điều tra dịch tễ để tìm hiểu nguyên nhân mắc bệnh của bệnh nhân, cách ly và khử trùng khu vực điều trị bệnh nhân...
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định cũng đang có nhiều bệnh nhân bị tiêu chảy vào điều trị, trong đó có một cụ bà được xác định dương tính với phẩy khuẩn tả. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định cho biết, ngày 8-5 vừa qua, bà Trần Thị Phượng, 81 tuổi, ở thành phố Nam Định, ăn bún riêu ở vỉa hè khu vực chùa Cả, phường Vị Xuyên. Sau khi ăn, bà Phượng bị tiêu chảy, đến 13h cùng ngày gia đình đưa vào cấp cứu và bệnh viện tỉnh đã xác định bà Phượng bị nhiễm phẩy khuẩn tả, hiện đang cách ly tại Khoa Lây nhiễm.
Còn tại Hải Phòng, trong ngày 12-5 có thêm 3 bệnh nhân ở huyện An Dương bị tiêu chảy cấp phải nhập viện. Ông Nguyễn Văn Vi - Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết, tính đến chiều 12-5 Hải Phòng đã có 10 ca tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó có 4 ca dương tính với phẩy khuẩn tả. Tất cả bệnh nhân đều có biểu hiện nôn, đi ngoài nhiều, mất nước. Trước đó các bệnh nhân này đã ăn mắm tôm, rau sống, bánh đa cua, tiết canh... thậm chí cả cơm canh bình thường tại gia đình nấu.
Dịch bệnh lan ra 5 tỉnh, thành
Ngày 12-5, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch bệnh trong đó có đề cập đến dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.
Theo Bộ Y tế, trong số các trường hợp mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm và phẩy khuẩn tả, có một số ít trường hợp có liên quan về dịch tễ, tuy nhiên không có ổ dịch lớn xảy ra. Qua điều tra dịch tễ, các bệnh nhân có sử dụng một số thực phẩm như: thịt chó, mắm tôm sống, rau sống, một số thức ăn không đảm bảo vệ sinh; sử dụng thức ăn đường phố.
Có thể sẽ ghi nhận thêm một số tỉnh có trường hợp mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm do sự giao lưu qua lại giữa các khu vực, điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, ngập lụt tạo điều kiện cho việc phát tán mầm bệnh. Với việc xử lý kịp thời ngay ca mắc đầu tiên, sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc rải rác.
Trước tình hình dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đang lan nhanh, Bộ Y tế đã có Công văn gửi Chủ tịch UBND, Giám đốc Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố trên toàn quốc để triển khai công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác do lãnh đạo Cục Y tế dự phòng chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại một số tỉnh có nguy cơ cao xảy ra dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, điều tra nguồn gốc thực phẩm gây bệnh của các trường hợp mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm.
Theo Báo ANTĐ