Cập nhật: 01/06/2009 17:33:42 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhận thức đúng đắn về vai trò của trẻ em đối với gia đình và xã hội, Ðảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với trẻ em. Nhiều chủ trương, chính sách ra đời hướng tới mục tiêu vì lợi ích tốt nhất cho sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và đạo đức của trẻ em.

Trong giai đoạn đất nước đổi mới, cùng với nhiều chính sách kinh tế, xã hội được ban hành. Nhà nước ta đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em (20-2-1990), là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này. Ðiều đó đã làm thay đổi khá nhanh nhận thức, hành động đối với trẻ em và thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam. Cụ thể đã ban hành Luật, chính sách, văn bản hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chương trình hành động, chương trình mục tiêu, các dự án, xây dựng tổ chức bộ máy, bố trí và đào tạo cán bộ quản lý, xây dựng và phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nhờ đó công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có những chuyển biến tích cực.

 

Ðến nay, hầu hết các chỉ tiêu về sức khỏe dinh dưỡng, về giáo dục đã đạt và vượt mục tiêu đến năm 2010. Tuy nhiên, còn một số chỉ tiêu về bảo vệ trẻ em, về văn hóa vui chơi cho trẻ em trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001-2010 khó có thể đạt được, cần phải khắc phục trong thời gian tới.

 

Một là, về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng: Sự khác biệt về suy dinh dưỡng trẻ em dưới năm tuổi giữa các vùng sinh thái và giữa các tỉnh giàu và nghèo. Tình trạng trẻ em dưới năm tuổi tại các tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía bắc bị suy dinh dưỡng vẫn còn cao, trung bình gần 30%; Số trẻ nhiễm HIV/AIDS, tính đến tháng 12 năm 2007, trẻ dưới 13 tuổi chiếm 1,7% (khoảng 2.700 em); trẻ từ 13-19 tuổi chiếm 4,5% (khoảng 7.000 em). Có khoảng 22 nghìn trẻ mồ côi do bố, mẹ chết bởi HIV/AIDS; Tai nạn thương tích trẻ em xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, nhất là tai nạn giao thông (27%), đuối nước (23%) và ngộ độc...; Chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em tại tuyến cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu; Một số loại bệnh tật của trẻ em ở lứa tuổi học đường như cận thị, cong vẹo cột sống, rối nhiễu tâm trí... chưa được kiểm soát; Công tác y tế học đường mặc dù có chỉ đạo nhưng chưa thực hiện được nhiều. Phần lớn các trường học còn thiếu các công trình cấp nước sạch và vệ sinh hoặc có nhưng không đáp ứng được nhu cầu của trẻ em. Ðến nay vẫn còn 38% số dân nông thôn chưa được tiếp cận với nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong số 62% số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh thì chỉ có khoảng 30% được tiếp cận với nguồn nước đạt Tiêu chuẩn TC09.

 

Hai là, về giáo dục có chất lượng. Tỷ lệ học sinh lưu ban đã có xu hướng giảm ở cả hai cấp tiểu học và trung học cơ sở, nhưng tỷ lệ bỏ học vẫn chưa giảm rõ ràng. Năm học 2007-2008, số trẻ bỏ học khoảng 137 nghìn em. Nguyên nhân bỏ học là do học lực kém, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, điều kiện trường lớp ở xa nơi cư trú. Vẫn còn khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; Tỷ lệ nhập học và hoàn thành bậc học của một số nhóm đối tượng (như trẻ em tàn tật, trẻ em vùng dân tộc thiểu số...) còn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung; Trẻ em dân tộc thiểu số vẫn còn gặp rào cản ngôn ngữ khi mới bắt đầu tới trường ở cấp tiểu học; Tỷ lệ trẻ mầm non đến lớp không đồng đều giữa các vùng, miền và còn thấp.

 

Ba là, về bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Một số nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa được đưa vào Luật Bảo vệ, chăm sóc trẻ em như trẻ bị lạm dụng, bạo lực, trẻ em tai nạn thương tích, trẻ em ảnh hưởng từ các vụ ly hôn, con nuôi, trẻ em di cư, buôn bán, trẻ em sống trong các hộ nghèo. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, năm 2008 số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (theo Luật Bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em 2004) là 1.641.656 em, chiếm 6,55% tổng số trẻ em dưới 16 tuổi. Nếu tính cả bốn nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác (trẻ em bị buôn bán, bắt cóc; trẻ em bị ngược đãi, bạo lực; trẻ em sống trong gia đình nghèo và trẻ em bị tai nạn thương tích thì tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 4.697.042 em, chiếm 20,31% tổng số trẻ em dưới 16 tuổi.

 

Bốn là, về văn hóa vui chơi và sự tham gia. Trẻ em ở vùng nông thôn nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa tiếp cận nhiều với các hoạt động vui chơi, giải trí; còn thiếu các điểm vui chơi cho trẻ em, các điều kiện về an toàn chưa được bảo đảm; Việc quản lý các xuất bản phẩm chưa thật hiệu quả nên trẻ em dễ bị lạm dụng; trò chơi điện tử, trang thông tin qua mạng in-tơ-nét không lành mạnh cũng có tác động không tốt đến sự phát triển của trẻ em; Sự tham gia của trẻ em còn hạn chế, các diễn đàn chưa được tổ chức rộng rãi trên toàn quốc, các câu lạc bộ của trẻ em chủ yếu tại trường học, các câu lạc bộ tại cộng đồng rất ít và chưa phổ biến.

 

Năm là, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang phải đối mặt một số thách thức chủ yếu như: Hệ thống luật pháp, chính sách và khung pháp lý để bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa đầy đủ, đồng bộ. Chế tài xử phạt các hành vi vi phạm quyền trẻ em chưa đủ mạnh; Ðội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và không ổn định, nhất là đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên dẫn đến việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở, cộng đồng khó triển khai, thực hiện; Hệ thống dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa đủ để đáp ứng các nhu cầu trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Công tác truyền thông, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa sâu rộng, chưa thường xuyên liên tục và hiệu quả tác động thay đổi hành vi về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn hạn chế; Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em của một bộ phận cán bộ, cha mẹ, giáo viên và công dân chưa tốt; kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em của nhiều gia đình và kỹ năng tự bảo vệ của trẻ em chưa đầy đủ và cập nhật. Nguồn lực đầu tư còn hạn chế và phân tán.

 

Với mục tiêu đến năm 2010, chúng ta phấn đấu thực hiện đạt cơ bản các mục tiêu liên quan đến trẻ em, nhất là trợ giúp trẻ em hoàn cảnh đặc biệt ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, tạo cơ hội để thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em; giảm thiểu tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, lang thang, lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

 

Các giải pháp chủ yếu bao gồm:

 

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Ðảng, sự chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thông qua việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành; phê duyệt kế hoạch, chương trình, bố trí nguồn lực, nhân lực; Vận động và tạo cơ hội cho sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế bao gồm cả các tổ chức đa phương, song phương và phi chính phủ, để giải quyết các nhu cầu bức xúc và bảo đảm các quyền của trẻ em; Củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, mạng lưới cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em từ trung ương đến cơ sở; Nâng cao năng lực trong việc xây dựng chính sách; xây dựng kế hoạch hằng năm, thực thi chính sách và kế hoạch; xây dựng và quản lý các chương trình, dự án bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em hằng năm, giữa kỳ và cuối kỳ theo kế hoạch 5 năm của các cấp, các ngành và phối hợp liên ngành; Chủ động huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực có thể được cho nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Chủ động nghiên cứu khoa học để ứng dụng vào việc hoàn thiện luật pháp, chính sách, các tiêu chuẩn, quy chuẩn và hình thành các chương trình, dự án BVCSTE có cơ sở khoa học và thực tiễn. Chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật và có thêm nguồn lực phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ngày càng hiệu quả và hội nhập quốc tế (kể cả các tổ chức đa phương, song phương và phi chính phủ, trong đó UNICEF và Liên minh các tổ chức bảo vệ trẻ em luôn là đối tác mang tính chiến lược và lâu dài).

 

 

 

Theo Báo ND

 

Tệp đính kèm