Cập nhật: 25/06/2009 21:01:26 Article Rating
Xem cỡ chữ

Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, cả nước có hơn 3 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn phải tự lao động kiếm sống.

Trong đó số lao động trẻ em phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là 9.353, trẻ lang thang kiếm sống 10.676, trẻ làm việc xa gia đình là 769. Những em nhỏ này hầu như không có cơ hội để phát triển nhân cách đầy đủ.

 

Theo nghiên cứu của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH, thông thường trẻ bắt đầu làm việc từ 10-14 tuổi và đều mang tính chất tự phát. Trẻ làm các việc như giúp việc gia đình, bán hàng rong, nhặt than, chèo đò, thậm chí là đào đãi vàng, bốc vác, phụ xây… những công việc chứa đựng rủi ro, nguy hiểm và khiến trẻ ít có cơ hội giao tiếp với xã hội.

 

Giờ làm việc của trẻ em diễn ra thất thường, những trẻ làm công việc gắn với sông nước làm hơn 7 giờ/ngày, trẻ làm giúp việc bắt đầu từ 7h kết thúc vào 22h và không có ngày nghỉ. Trẻ lang thang, công việc không ổn định, kết thúc ngày làm việc vào lúc 22h hoặc 3-4h sáng. Những trẻ em lao động sớm bị đánh mất tuổi thơ, luôn đối mặt với rủi ro, đói rét, bệnh tật và các tệ nạn xã hội, dễ có những hành động vô thức bột phát tác động xấu đến xã hội.

 

Lao động trẻ em tăng, nguyên nhân dễ nhận thấy là do đói nghèo. Theo bà Trần Thị Thanh Thanh, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thì nguyên nhân khiến tình trạng lao động trẻ em tăng chủ yếu do nhận thức của gia đình, xã hội và chính các em. Bà Thanh nhấn mạnh, cần khuyến khích trẻ phụ giúp cha mẹ, vì qua lao động sẽ góp phần giáo dục nhân cách cho các em, biết chia sẻ khó khăn với gia đình. Tuy nhiên, điều mà chúng ta không thể chấp nhận được là việc đẩy trẻ em vào những công việc thay cho người lớn, thu lợi cho người lớn. Bản thân trẻ em cần nhận thức rằng, báo hiếu cho cha mẹ không phải là tìm mọi cách để kiếm tiền mang về cho gia đình, bất chấp mọi nguy hại đến nhân cách, sức khỏe của chính mình. Xã hội không chấp nhận các bậc cha mẹ thản nhiên trước hành động tìm mọi cách để kiếm tiền của con trẻ.

 

Ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vê, chăm sóc trẻ em- Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, Nhà nước đã, đang nỗ lực để ngăn ngừa, loại bỏ lao động nặng nhọc, độc hại đối với trẻ em. Điều đó được thể hiện trong Quyết định 19/2004/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004-2010 với mục tiêu giảm được 90% số trẻ em lang thang kiếm sống, trong đó 70% được trợ giúp tạo dựng cuộc sống, hòa nhập với gia đình. Theo ông Hải, cách tốt nhất để loại bỏ lao động trẻ em là giúp chúng có nhận thức đầy đủ thông qua các chương trình đào tạo văn hóa, học nghề để các em có thể tự lập. Và để loại bỏ các hình thức lao động tồi tệ đối với trẻ em, cần có sự chung tay của cả xã hội.

 

 

Theo HNM

Tệp đính kèm