Cập nhật: 26/06/2009 21:06:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày hội nhằm chuyển tải thông điệp giữ gìn, phát huy và tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống của gia đình Việt Nam.

Lễ Khai mạc diễn ra chiều 25/6 tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam số 2- Hoa Lư - Hà Nội, với sự tham gia của 54 gia đinh văn hoá đại diện cho các gia đình từ mọi vùng miền đất nước.

 

Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh: Ngày hội là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hoá, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, đây còn là hoạt động hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

Bà Hoàng Thị Hằng, dân tộc Tày, trú tại xóm Pò Cọt, xã Cao Chương, Trà Lĩnh, Cao Bằng cho biết, trong những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hoá được triển khai sâu rộng tới đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện rói riêng và cả tỉnh Cao Bằng nói chung. Thông qua các buổi họp thôn, xóm cũng như sự quan tâm của chính quyền địa phương tới từng gia đình, người dân đã nắm được những nội dung, tiêu chí cần thiết của Gia đình văn hoá, từ đó phấn đấu để đạt được danh hiệu này.

 

 

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đánh trống khai mạc Ngày hội

 

“Riêng tôi đã tham gia công tác giảng dạy 28 năm. Dù đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn tiếp tục tham gia công tác xã hội phụ trách vấn đề dân số kế hoạch hoá gia đình của xã, tuyên truyền cho mọi người hiểu về việc đẻ ít con để nuôi dạy tốt”, bà Hằng cho chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Văn Đạt, dân tộc Dao quần trắng (Yên Sơn, Tuyên Quang) không dấu được niềm vui khi được chọn làm đại diện tham dự Ngày hội Gia đình tại Thủ đô Hà Nội. “Gia đình tôi có 5 người con và tất cả đều chăm chỉ làm ăn, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Kinh tế gia đình làm VAC và trồng trọt, đạt thu nhập khoảng 1,2 triệu đồng/người/tháng”. Bản thân ông Đạt cũng là một Đảng viên với 40 năm tuổi Đảng, thông thạo chữ Nho và thường tham gia viết gia phả, sách vì “muốn giữ lại những nét truyền thống của dân tộc mình cho con cháu sau này còn học tập và kế thừa; khuyên con cháu phấn đấu chăm chỉ sản xuất, hoà thuận với bà con thôn xóm, xây dựng đời sống tiến bộ”.

 

Gia đình bà Kiều Thị Phi Thoại dân tộc Chăm, Ninh Thuận (gia đình theo mẫu hệ)

 

 

Hay gia đình ông Chàm Huông Mít, bà Bùi Thị Kho ở ấp Tân Trung B, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, Tây Ninh cũng có đời sống khấm khá. Ông Mít cho biết, ngoài việc chăm lo làm kinh tế, gia đình cũng giúp bà con lối xóm mỗi khi cần. Con cái được ăn học đàng hoàng, làng xóm hoà thuận phấn đấu làm ăn.

 

Ngày hội do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND TP Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội người Cao tuổi Việt Nam phối hợp tổ chức từ 25-29/6/2009./.

 

 

Theo VOV

Tệp đính kèm