Cập nhật: 12/07/2009 16:52:55 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đây là câu hỏi mà các đại biểu trăn trở khi tham dự cuộc Hội thảo “Hướng tới các giải pháp thúc đẩy phát trẻn kinh tế - xã hội sau khủng hoảng tài chính toàn cầu” do Văn phòng TW Đảng – Văn phòng Quốc hội – Văn phòng Chủ tịch nước – Văn phòng Chính phủ phối hợp tổ chức.

 

Hội thảo nằm trong khuôn khổ hoạt động WTO – 9 “Tăng cường năng lực của các cơ quan TW trong việc tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với nền kinh tế, điều phối pháp luật và hoạch định chính sách”, với sự tài trợ của Dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III (EU-Vietnam MUTRAP III).

 

Qua 2 phiên làm việc sáng - chiều trong cả ngày 9/7, các đại biểu là các quan chức cao cấp của Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia có kinh nghiệm trong nước và quốc tế đã cùng tập trung phân tích vào 8 chủ đề chính liên quan tới các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.

 

Cũng tại Hội thảo này, các đại biểu đã nắm bắt, cập nhật thông tin về diễn biến khủng hoảng tài chính quốc tế hiện nay, học tập kinh nghiệm của các nước về ứng phó với khủng hoảng và các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội. Từ đó góp phần tích cực cho công tác tư vấn lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ với những đề xuất thiết thực hiệu quả nhằm giúp Việt Nam nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng, nhanh chóng phục hồi kinh tế và tạo đà phát triển mới.

 

Hầu hết các ý kiến đều lạc quan cho rằng khủng hoảng là cơ hội để tái cơ cấu theo hướng linh hoạt, phù hợp và hiện đại hơn. Nói một cách khác, khủng hoảng đã tạo ra một đòn bẩy cho một bước chuyển mới cả về chất về lượng của từng doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Như ý kiến của ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cảnh báo về việc thay đổi, tái thiết nền kinh tế nhưng phải chú ý làm thế nào để không rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình. Ngoài ra, cũng theo ông này, kinh nghiệm của nhiều nước đã cho thấy chỉ những nước tạo ra được những thương hiệu sản phẩm độc quyền mới thoát khỏi cái “bẫy” trên... Đồng thời, phục vụ cho công cuộc tái thiết cơ cấu kinh tế cũng cần đặc biệt lưu ý tới vấn đề nhân lực.

 

Chia sẻ về điều này, PGS.TS Trần Thọ Đạt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá: Vai trò của giáo dục đào tạo rất quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến phát triển con người trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tác động tích cực của trình độ giáo dục của lực lượng lao động tới tăng trưởng và thu nhập bình quân đầu người khẳng định lập luận là phát triển giáo dục là cách thức khả thi để nâng cao tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, bởi vì hiệu ứng của giáo dục đối với mức GDP và GDP/lao động của các tỉnh, thành phố không đồng nhất giữa các vùng nên cả chính quyền TW và địa phương cần áp dụng những chính sách đầu tư thích hợp đối với giáo dục nhằm thúc đẩy tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo.

 

Phân tích những thuận lợi và thách thức của Việt Nam, ông Sean Doyle, Đại sứ phái đoàn Uỷ bản Châu Âu tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam không nằm ngoài cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà biểu hiện rõ ràng khi năm 2008 là năm đầy thách thức với Việt Nam với mức lạm phát cao vọt và sự suy giảm tăng trưởng, xuất khẩu và đầu tư từ nửa cuối 2008. Mặc dù năm 2009 Việt Nam liên tục nỗ lực để đạt kết quả tốt trong việc khắc phục khó khăn nhưng vẫn còn thách thức. Đó là: tăng trưởng rõ ràng thấp hơn năm ngoái và luồng đầu tư giảm trong những tháng đầu năm cùng với sự suy giảm của luồng tiền chuyển về nước của lao động nước ngoài ở Việt Nam. Lạm phát vẫn là một gánh nặng và cần phải giám sát tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng. Ông Sean Doyle cũng cho rằng về tương đối triển vọng của kinh tế Việt Nam là khả quan bởi tăng trưởng 3,9% GDP trong quý đầu tiên là sự tăng trưởng thực chất và đáng kế; các cam kết FDI mới có thể sụt giảm nhưng số vốn hơn 4,2 tỷ USD đang được đưa vào các dự án FDI đang thực thi nhiều hơn nhiều so với tổng số vốn FDI của cả năm 2008; tỷ lệ thất nghiệp và đói nghèo tăng không đáng kể ở một số lĩnh vực và ngành trong khi kinh tế nông thôn dường như vẫn khả quan với giá gạo ổn định...

 

Đề cập đến các giải pháp “hậu khủng hoảng”, ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nêu ý kiến có thể nổi lên 8 vấn đề cần được xem xét, bao gồm: ưu tiên đều cho xuất khẩu và nhập khẩu; đối phó với nạn nhập siêu thái quá; cải thiện kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, chống tham nhũng... đi đôi với việc định hướng các nguồn vốn từ bên ngoài được đưa vào các ngành kinh tế thực nhất là các ngành công nghiệp chế tạo, có hàm lượng công nghệ cao, khắc phục khâu thắt nút cổ chai về hạ tầng cơ sở; cơ cấu lại thị trường nội địa, xem đó là hướng lâu dài và hậu quả. Điều này chúng ta có thể học hỏi thêm kinh nghiệm của các bạn Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc khi hàng nội địa bao giờ cũng tốt hơn hàng xuất khẩu...; xử lý các vấn đề tài chính - tiền tệ; cơ cấu lại doanh nghiệp để giữ lại những doanh nghiệp hiệu quả, loại bỏ những doanh nghiệp yếu, kém; cần có lộ trình giảm các biện pháp kinh tế, tránh “phanh gấp” tạo sự hụt hẫng, không có lợi cho kinh tế nhưng cũng tránh để quá lâu dễ tạo tâm lý, thói quen lạm dụng và ỷ lại; chăm lo các vấn đề an sinh xã hội.

 

Ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW nhận định: cuộc khủng hoảng tài chính thế giới với những hệ quả của nó đã mang lại cho các nước cả thách thức và cơ hội. Là một nước đang phát triển tích cực, tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cần chủ động lựa chọn những biện pháp chính sách nhằm tận dụng cơ hội và đối phó với thách thức. Theo đó, dưới góc độ chính sách, để lựa chọn và ra chính sách phù hợp cần thường xuyên cập nhật thông tin trong và ngoài nước, đánh giá và dự báo diễn biến tình hình khu vực và quốc tế...

   

Hội thảo “Hướng tới các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau khủng hoảng tài chính toàn cầu”

 

Nhiều ý kiến khác như ý kiến của các ông Võ Toàn Thắng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Hữu Từ, Văn phòng TW, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia và một số doanh nghiệp trong nước như Tập đoàn Thái Tuấn Chí, Tập đoàn Phú Thái cùng quan điểm: dù phát triển kinh tế thị trường nhưng phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, cần thiết có sự tham gia của Nhà nước và cân đối thị trường nội địa với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt ưu tiên và tập trung cho sự phát triển bền vững của thị trường nội địa.

 

Đề xuất về giải pháp chính sách với Việt Nam, ông Peter Wolf, Chuyên gia EU chỉ ra, đó là chương trình tài khoá kích thích tăng trưởng của Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy giảm đói nghèo nhưng cũng không được gây trì hoãn cải cách về thể chế đồng thời đầu tư vì sự tăng trưởng bền vững - sự tăng trưởng thân thiện với môi trường. Theo đó, tiến hành hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua trợ cấp lãi suất tạm thời, bảo lãnh tín dụng, chậm thu thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm tạm thời 30% các khoản thuế phải nộp; tăng đầu tư công bao gồm thông qua các doanh nghiệp quốc doanh, thống nhất các dự án hiện có và đơn giản hoá các thủ tục giải ngân; thúc đẩy tiêu dùng cá nhân thông qua giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số mặt hàng nhất định; hỗ trợ xuất khẩu thông qua cắt giảm thuế quan đồng thời tăng bảo hộ đối với một số ngành hàng trong nước và thúc đẩy mạng lưới an sinh xã hội nhằm bảo vệ những nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi khủng hoảng. Đồng thời cải cách doanh nghiệp quốc doanh theo hướng tính cạnh tranh đóng vai trò then chốt đối với tăng trưởng trong tương lai và cải cách khu vực tài chính với hướng cho vay để thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp.

 

Chuyên gia Benjamin Franklin đã từng viết “Không có nước nào từng bị thương mại tàn phá”, vì thế, như khẳng định của ông Sean Doyle, “chúng ta không sợ điều đó, tôi hy vọng và mong muốn Việt Nam cũng không sợ”.

Điều quan trọng nhất, tại Hội thảo, có nhiều ý kiến cùng thống nhất rằng cuộc khủng hoảng lần này chính là cơ hội để nhận diện lại thời đại và đổi mới tư duy triệt để, góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau “cơn chấn động” kinh tế vừa qua.

 

 8 chủ đề chính tập trung thảo luận tại Hội thảo

 

1. Một số định hướng chiến lược phục hồi kinh tế sau khủng hoảng - hướng tới một mô hình phát triển bền vững hơn;

2. Những giải pháp về kinh tế vĩ mô sau khủng hoảng;

3. Những giải pháp thương mại sau khủng hoảng (giải pháp phát triển thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu);

4. Những giải pháp về chính sách công nghiệp sau khủng hoảng;

5. Kinh nghiệm nước ngoài trong việc đề ra các biện pháp hậu khủng hoảng;

6. Những giải pháp phát triển nguồn nhân lực sau khủng hoảng;

7. Những giải pháp về thu hút đầu tư nước ngoài sau khủng hoảng:

8. Những giải pháp đối với doanh nghiệp sau khủng hoảng.

 

 

 

Theo ĐCSVN

Tệp đính kèm