Các trường hợp tử vong liên quan đến cúm A/H1N1 liên tiếp được thông báo trong những ngày gần đây. Bộ Y tế cho biết, tính đến 14 giờ ngày 28/9, Việt Nam đã ghi nhận 8.419 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, trong đó 13 trường hợp tử vong, 6.736 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và ra viện. Dịch bệnh đang có chiều hướng ngày càng nguy hiểm hơn cho cộng đồng.
Dự trữ hơn 1 triệu liều tamiflu điều trị cúm
Ca tử vong thứ 13 vì cúm A/H1N1 là một bé trai 13 tuổi, ở ấp Nhà Thờ, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, có tiền sử béo phì. Trước khi nhập viện 4 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt, ho khan, đau rát họng, mệt mỏi, điều trị ở nhà nhưng không đỡ. Ngày 23/9, bệnh nhân được gia đình đưa đến nhập viện tại BVĐK huyện Cần Đước trong tình trạng sốt cao, ho nhiều, đau họng, ăn kém, mệt mỏi, trướng bụng, khó thở và được chẩn đoán viêm phổi nghi do virut, theo dõi cúm A/H1N1. Bệnh nhân được hồi sức tích cực, hạ sốt và chuyển ngay tới BV Nhiệt đới TP.HCM trong cùng ngày. Tại đây, bệnh nhân được điều trị ngay bằng tamiflu, hồi sức tích cực, kháng sinh, hạ sốt, thở máy và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, kết quả dương tính với cúm A/H1N1. Trong quá trình điều trị bệnh tiến triển nặng và bệnh nhân đã tử vong lúc 10giờ 50 ngày 25/9 với chẩn đoán viêm phổi nặng - suy hô hấp do virut cúm A/H1N1, cơ địa béo phì - tăng huyết áp - viêm vi cầu thận cấp - suy thận cấp. Trung tâm Y tế dự phòng cùng bệnh viện đã tiến hành lập danh sách, giám sát các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân và xử lý tử thi theo đúng quy định.
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng qua, số bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1 liên tục lập kỷ lục tại Việt Nam. Lo ngại nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh vào mùa đông tới, trong cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm A/H1N1 mới đây, PGS.TS. Trịnh Quân Huấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tập huấn nâng cao khả năng phát hiện và điều trị cúm A/H1N1 cho tuyến y tế xã và huyện để tránh tình trạng bệnh nặng và tử vong do tuyến dưới phát hiện và điều trị chưa kịp thời. TS. Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) khẳng định, Bộ Y tế luôn dự trữ đủ thuốc tamiflu với hơn 1 triệu liều cho công tác điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1 tận tuyến xã và huyện. Số thuốc này có thể đáp ứng điều trị cho khoảng 100.000 bệnh nhân.
Xây dựng bệnh viện dã chiến tại TP.HCM
Cách đây hơn một tháng, TP.HCM đã có chủ trương hạn chế điều trị tập trung cúm tại các bệnh viện và hạn chế thấp nhất việc phải thành lập bệnh viện dã chiến (BVDC) tại các công sở, trường học khi xảy ra dịch cúm để tránh làm ảnh hưởng tới hoạt động chung của các đơn vị này. Ngày 28/9, trao đổi với PV, BS. Trần Hữu Nghĩa, GĐ BV quận 3 cho biết, dưới sự chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM, BVDC mới đã tiếp nhận cách ly, điều trị gần 200 ca, trong đó có 160 ca dương tính với cúm A/H1N1. Với quy mô hiện tại là 66 giường (tương đương với số giường các BV lớn chuyên điều trị cúm tại TP.HCM), chia làm 3 khu (khám nhận bệnh, giám sát cách ly, điều trị cách ly), BVDC mới có khả năng tiếp nhận và điều trị cho khoảng 50 bệnh nhân. Theo BS. Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM, nếu không xây dựng BVDC mới thì với tình hình bệnh gia tăng nhanh như hiện nay, các BV của thành phố nói chung và BV quận 3 nói riêng sẽ không thể "gánh" nổi việc giám sát cách ly và điều trị cho lượng bệnh nhân quá lớn như hiện nay. BVDC mới là một khu cách ly điều trị riêng biệt giúp các địa phương tự chuẩn bị và chủ động "đón dịch", xử lý dịch bệnh ngay trên địa bàn và khu vực lân cận. Thay vì trước đây tập trung vào cách ly giám sát (như tại BV Phạm Ngọc Thạch) thì BVDC mới làm luôn nhiệm vụ cách ly điều trị, việc này sẽ giúp các bv không phải chia giường để điều trị bệnh nhân cúm với các bệnh nhân khác. BS. Nghiệm cho biết, Sở đã làm báo cáo lên Bộ Y tế để nhân rộng mô hình trong khu vực và cả nước trong thời gian tới.
Theo suckhoedoisong.vn