Cập nhật: 05/10/2009 23:07:41 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trưa 5/10, bão Parma đi theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, ảnh hưởng trực tiếp vùng biển ở phía Đông và Bắc quần đảo Hoàng Sa, trong vài ngày nữa có thể đe dọa trực tiếp vùng biển Việt Nam

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, ngày 4/10, siêu bão Parma bắt đầu ảnh hưởng tới khu vực Bắc biển Đông sau khi tâm bão đi lên khu vực Tây Bắc đảo Luzon (Philippines). Do ảnh hưởng xoáy của bão nên thời tiết ở khu vực Nam biển Đông và cả khu vực Nam bộ bắt đầu xấu, trời nhiều mây.

 

Tuy nhiên, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, cơn bão này sẽ đổi hướng đột ngột trong khi ban đầu các đài khí tượng trong khu vực đều nhận định bão sẽ đi lên vùng eo biển giữa đảo Luzon và Đài Loan, không ảnh hưởng nhiều đến vùng biển nước ta.

 

Trưa nay (5/10), bão Parma không đi theo hướng giữa Bắc Tây Bắc và Tây Bắc nữa mà quặt khoảng 70 độ xuống phía Nam, đi theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, ảnh hưởng trực tiếp vùng biển ở phía Đông và Bắc quần đảo Hoàng Sa, trong vài ngày nữa có thể đe dọa trực tiếp vùng biển nước ta.

 

Hiện tại, sức gió ở vùng tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14. Bán kính ảnh hưởng của bão khoảng 250km tính từ tâm bão. Bước đầu, nguyên nhân khiến bão Parma đổi hướng là do tương tác với một cơn bão mạnh khác vẫn đang ở phía Đông của Philippines có tên quốc tế là Melor. “Siêu bão” Parma là cơn bão thứ 10 trong năm 2009 vì đã đi vào khu vực biển Đông.

 

Trước diễn biến phức tạp của 2 cơn bão này, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương vừa có công điện gửi các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh cho đến Quảng Ngãi yêu cầu chủ động gọi và hướng dẫn các ngư dân đang đánh cá ở biển Đông biết vị trí của cơn bão, hướng di chuyển của tâm bão để về đất liền. Trước mắt, vùng biển được coi nguy hiểm là từ vĩ tuyến 17 trở lên và từ kinh tuyến 117 trở ra./.

 

 

Theo Sài Gòn giải phóng

Tệp đính kèm