Cập nhật: 07/10/2009 22:44:31 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nếu biết ứng xử tốt với thiên nhiên thì không chỉ hiện tại mà trong tương lai, con cháu chúng ta sẽ không còn phải chịu quá nhiều ẩn họa khôn lường mà thiên nhiên giáng trả bất cứ lúc nào

 

Trong những ngày qua, báo chí liên tục đưa tin về các vụ thiên tai bão lũ, động đất, sóng thần tại Việt Nam, Philippines và nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam và cộng đồng quốc tế đã và đang có nhiều nỗ lực để hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng do thiên tai gây ra. Ai cũng biết khi có thiên tai xảy ra, tất cả các ban, ngành liên quan đều vào cuộc để giảm đến mức tối đa những ảnh hưởng do thiên tai gây ra và sâu xa hơn là những giải pháp mang tính hệ thống nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.

 

Những ngày qua, thiên tai liên tục dội xuống đầu người dân khắp các châu lục mà nhiều nhất là châu Á – Thái Bình Dương. Hai vụ động đất liên tiếp tại Indonesia làm hơn 5.000 người chết, hơn 2.000 người bị thương; 20.000 ngôi nhà bị phá huỷ, nhiều làng mạc bị san bằng. Còn ở Việt Nam, đến thời điểm này, đồng bào miền Trung và Tây Nguyên vẫn chưa hết bàng hoàng mặc dù mức độ huỷ hoại của cơn bão đã được dự báo trước. Người dân nhiều địa phương trên đất nước ta cũng đang phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do lũ quét gây ra. Nguyên nhân của tất cả các hiện tượng này, theo các nhà khoa học là do hiện tượng biến đổi khí hậu, trái đất đang nóng dần lên, do hiện tượng hiệu ứng nhà kính.

 

Biến đổi khí hậu đang làm ít nhất 300.000 người thiệt mạng mỗi năm, thiệt hại kinh tế lên tới 125 tỷ USD - nhiều hơn toàn bộ mức viện trợ của thế giới hiện nay và tới năm 2030, con số này có thể là 600 tỷ USD. Các thảm hoạ thiên nhiên cũng gây ra tình trạng bất ổn xã hội, gây ra nạn đói, dịch bệnh. Nếu lượng khí thải hiện nay không sớm được kiểm soát thì 25 tới, 310 triệu người sẽ phải hứng chịu những hậu quả tồi tệ về y tế, 20 triệu người sẽ rơi vaà cảnh nghèo đói và 75 triệu người sẽ mất nhà cửa.

  

Huy động nhiều phương tiện cứu trợ bà con tỉnh Hà Tĩnh đang bị cô lập

 

Những con số này từ xưa tới nay không phải bây giờ mới được biết tới. Chỉ có điều ai cũng cho rằng đó là những con số dự báo, nhưng những thiên tại khủng khiếp xảy ra gần đây ở châu Á, trong đó có Việt Nam đã cho thấy một điều: Biến đổi khí hậu đã thực sự gây ra những hậu quả hiện hữu. Nguy cơ này đáng được quan tâm hơn khi Chương trình Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam vào danh sách một trong 5 quốc gia có khả năng ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu.

 

Để hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng do hiệu ứng nhà kính, thế giới cần đồng lòng phòng chống biến đổi khí hậu. Ngoài việc nâng cao hiểu biết cho người dân, cộng đồng quốc tế cần đưa các biện pháp ngăn chặn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Riêng các nước công nghiệp phát triển cần giảm từ 25% đến 40% lượng khí CO2 kể từ năm 2020. Một loạt Hội nghị cấp quốc tế về biến đổi khí hậu liên tiếp được tổ chức trong thời gian gần đây, trong đó những vấn đề nóng nhất về biến đổi khí hậu đã được đưa ra bàn thảo.

 

Cho đến bây giờ, biến đổi khí hậu không còn là chuyện ở bên kia bờ đại dương, cũng chẳng còn là câu chuyện ở thì tương lai nữa mà đã được các chuyên gia nhìn nhận, nghiêm túc bắt tay ngay vào việc tìm giải pháp ứng phó. Sau những cơn “giận dữ” của thiên nhiên vừa qua, hơn lúc nào hết, giờ là lúc cả cộng đồng chung tay gìn giữ những thảm rừng tự nhiên còn sót lại và cùng nhau bảo vệ những diện tích rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn hay những rạn san hô quý hiếm… Việc trả lại màu xanh bằng giải pháp trồng thêm rừng, tăng độ che phủ cho những đất trống đồi trọc bị tàn phá tan hoang mấy thập kỷ qua cũng là cách chúng ta “trả món nợ” thiên nhiên.

 

Nếu biết việc tiêu tốn năng lượng một cách thái quá như một tác nhân làm Trái đất nóng lên thì chúng ta sẽ biết cách làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu. Một hành động được coi là khôn ngoan lúc này là biết trân trọng những nguồn năng lượng hoá thạch còn lại trên Trái đất và sử dụng những công nghệ thân thiện với môi trường.

 

Sự nổi giận của thiên nhiên, suy cho cùng cũng là do chính bàn tay con người. Nếu biết ứng xử tốt với thiên nhiên, sống cân bằng, thân thiện và hiểu biết về nó thì không chỉ hiện tại mà trong tương lai, con cháu chúng ta sẽ không còn phải chịu quá nhiều ẩn họa khôn lường mà thiên nhiên giáng trả bất cứ lúc nào./.

 

 

Theo vovnews.vn.

Tệp đính kèm