Sự thay đổi môi trường sống, lối sống không lành mạnh do ăn uống bất hợp lý, ít vận động của người dân chính là nguyên nhân khiến cho bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam gia tăng gấp 4 lần so với bệnh lây nhiễm
Khó kiểm soát
TS. Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép: bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm (BKLN). Trong khi bệnh lây nhiễm đang có xu hướng giảm thì BKLN lại gia tăng một cách báo động và sự ngăn chặn BKLN đang trở thành thách thức lớn với sự phát triển trong thế kỷ 21”.
Theo điều tra của Bộ Y tế, số lượng bệnh nhân mắc BKLN ở Việt Nam đang tăng nhanh và chiếm trên 60% tổng số bệnh nhân khám chữa bệnh. Đáng lo ngại, BKLN đã tăng gấp 4 lần so với bệnh lây nhiễm. Cụ thể, năm 1976, tỷ lệ mắc BKLN là 42%; năm 1996 là 50% và năm 2007 tăng tới 60%. Điều này dẫn đến tỷ lệ tử vong của các BKLN cũng tăng dần theo từng năm, năm 1976 có khoảng 44%, đến năm 2007 tỷ lệ này tăng tới 60%.
Nguyên nhân gây ra BKLN xác định do sự toàn cầu hóa, thay đổi môi trường làm tăng lối sống không lành mạnh và cách ăn uống của người dân thay đổi đáng kể theo chiều hướng dư thừa chất, đặc biệt là chất béo, ít hoạt động thể thao, lạm dụng rượu bia, thuốc lá…
Mặc dù, BKLN đang gây ra gánh nặng kinh tế - xã hội do việc điều trị kéo dài, những tàn tật do các di chứng bệnh để lại gánh nặng cho gia đình, nhưng đến nay BKLN ở Việt Nam vẫn chưa thể kiểm soát được. Theo tính toán, tỷ lệ người tăng huyết áp trên 24 tuổi chiếm 27%; Đái tháo đường trên 30 tuổi là 5,7%; Ung thư (mắc chuẩn theo tuổi/100.000 dân) nam là 124% và nữ là 85%; Lạm dụng rượu là 18%...
Bà Nguyễn Thị Xuyên đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong việc phòng chống, điều trị BKLN trong những năm qua, đó là: Mạng lưới chương trình phòng chống BKLN mới chỉ được thiết lập ở tuyến Trung ương và một số ít địa phương, chưa phát triển hiệu quả mạng lưới xuống tuyến tỉnh, huyện, xã; Hệ thống giám sát quốc gia các BKLN và các yếu tố nguy cơ mới bước đầu được triển khai; Việc đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y tế về phòng chống BKLN chủ yếu tập trung ở tuyến Trung ương và các địa phương có triển khai dự án; Hoạt động phòng chống BKLN được xây dựng thành dự án riêng cho từng bệnh cụ thể nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia; Chưa xây dựng được chương trình mục tiêu quốc gia lồng ghép phòng chống BKLN.
Cần sự nỗ lực từ nhiều phía
WHO ước tính, trong số 58 triệu trường hợp tử vong trên thế giới thì có khoảng 35 triệu trường hợp tử vong do BKLN. Tỷ lệ tử vong do BKLN chiếm 60% tỷ lệ tử vong toàn cầu; trong đó 80% xảy ra ở quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Trong 10 năm tới, nếu không có chương trình can thiệp hiệu quả thì số tử vong do BKLN trên toàn cầu ước tính sẽ tăng 17%.
Theo các chuyên gia ngành y tế, những yếu tố nguy cơ gây ra BKLN hoàn toàn có thể phòng được thông qua việc thực hiện đúng các kiến thức và triển khai những can thiệp hợp lý. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, 80% bệnh về tim mạch giai đoạn đầu, đột quỵ và đái tháo đường tuýp 2 và trên 40% ung thư có thể được phòng chống thông qua chế độ ăn uống lành mạnh, không hút thuốc lá và thể dục đều đặn. Song, trong thực tế, những yếu tố gây ra các BKLN vẫn đang có tỷ lệ cao và ngày càng tăng ở nhiều quốc gia và nhiều nước trong khu vực. Theo WHO, việc triển khai các can thiệp tại cộng đồng là một trong những giải pháp quan trọng để phòng chống BKLN. Chính vì vậy, Việt Nam đã thực hiện một số mô hình lồng ghép phòng chống một số BKLN và yếu tố nguy cơ tại một số tỉnh…
Ông Jean Marc Olive, Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam nhận định: “Mặc dù Việt Nam đã cố gắng nỗ lực trong việc điều trị BKLN nhưng hiệu quả phòng chống, điều trị BKLN còn hạn chế. Để phòng chống BKLN có hiệu quả thì cần có sự nỗ lực từ Chính phủ và cộng đồng trong phòng chống BKLN để giảm nguy cơ gây ra”.
Liên quan tới vấn đề này, TS. Lương Ngọc Khuê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho hay: “Việt Nam đang triển khai 4 dự án phòng chống BKLN như: ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp, tâm thần. 4 bệnh này đã được đưa vào Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006 - 2010 nhằm góp phần khống chế tốc độ gia tăng tỷ lệ mắc bệnh, giảm tỷ lệ tử vong, di chứng và ảnh hưởng kinh tế - xã hội của một số BKLN phổ biến”.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh: “Để thực hiện chương trình phòng chống BKLN, cần dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản là lồng ghép, toàn diện và cộng đồng. Trong các yếu tố gây nguy cơ BKLN có các yếu tố về môi trường như: chính sách, kinh tế - xã hội, môi trường tự nhiên… nên cần sử dụng các giải pháp khác ngoài các giải pháp y tế. Chính vì vậy, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần phát triển hệ thống y tế giám sát BKLN quốc gia”./.
Theo Báo TNVN