Liên Bộ NN&PTNT, Bộ LĐ-TB& XH và Bộ Tài chính vừa tổ chức cuộc họp lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư liên tịch về việc hướng dẫn chế độ quản lý, phát hành, sử dụng “Thẻ học nghề nông nghiệp” cho nông dân khi bị thu hồi ruộng đất.
Theo Dự thảo, thời gian dạy nghề cho nông dân mất đất sẽ dưới 3 tháng, gồm 4 lĩnh vực đào tạo: Thứ nhất là kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, lâm sinh, ngư nghiệp, diêm nghiệp. Thứ hai là chế biên nông lâm thủy sản. Thứ ba là quản lý tưới tiêu, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường nông thôn. Cuối cùng là quản lý và dịch vụ nông nghiệp. Đối tượng đào tạo sẽ là lao động nông thôn trong độ tuổi (16- 55) có nhu cầu học nghề gồm lao động nông thôn trực tiếp sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp…) và lao động nông thôn đang làm dịch vụ kinh tế, kỹ thuật (thú y, BVTV, giống, vật tư, chế biến…). Về trình tự, thủ tục đăng ký học nghề, Sở LĐTB&XH sẽ cung cấp thông tin về nghề đào tạo và chính sách liên quan đối với lao động tại địa phương thông qua xã. Người lao động lựa chọn nghề và đăng ký với xã, xã tổng hợp và báo cáo huyện, huyện báo cáo tỉnh. Hàng năm Bộ NN&PTNT sẽ tổng hợp nhu cầu học nghề nông nghiệp trong cả nước rồi giao chỉ tiêu đào tạo cho các tỉnh. Các cơ sở dạy nghề thông báo tuyển sinh tới các xã để lao động lựa chọn và nộp đơn.
Dự kiến mỗi lao động nông thôn đủ điều kiện được cấp 1 thẻ trong vòng 5 năm và thẻ sẽ có giá trị trong 2 năm. Thẻ học nghề nông nghiệp sử dụng không đúng quy định sẽ bị thu hồi và xử lý theo quy định của pháp luật. Liên quan đến chế độ thanh quyết toán, các cơ sở dạy nghề sẽ thanh quyết toán kinh phí dạy nghề với Kho bạc Nhà nước căn cứ vào số lượng thẻ, chi phí đào tạo thực tế, giấy chứng nhận và chứng chỉ học nghề đã cấp cho học viên nhưng không cao hơn giá trị “Thẻ học nghề nông nghiệp”. Trường hợp chi phí đào tạo của nghề cao hơn giá trị của thẻ thì học viên tự chi trả phần chênh lệch.
Báo điện tử Kinh tế & Đô thị