Việt Nam có sự khác biệt lớn về khí hậu từ vùng gần xích đạo tới giáp vùng cận nhiệt đới, cùng với sự đa dạng về địa hình đã tạo nên sự đa dạng về thiên nhiên. Nước ta được thế giới đánh giá là một trong 16 quốc gia trên thế giới có tính đa dạng sinh học cao.
Tính đa dạng sinh học đó được biểu hiện qua các yếu tố sau:
Đa dạng về các hệ sinh thái. Nước ta có 3 hệ sinh thái chính: Hệ sinh thái trên cạn gồm rừng, đồng cỏ, đất khô, núi đá vôi…; hệ sinh thái đất ngập nước như hồ ao, đầm lầy…; hệ sinh thái biển như rừng ngập mặn, rạn san hô, vùng biển quanh các đảo ven bờ…
Đa dạng về loài sinh vật: hệ sinh thái trên cạn, khu hệ thực vật có 15.986 loài thực vật, trong đó có 4.528 loài thực vật bậc thấp và 11.458 loài thực vật bậc cao. Khu hệ động vật, có 260 loài bò sát, 120 loài ếch nhái, 840 loài chim, trên 6.000 loài động vật không xương sống và 1.530 loài động vật có xương sống; hệ vi sinh vật, có 7.500 loài; hệ sinh thái đất ngập nước có 1.438 loài vi tảo, trên 800 loài động vật không xương sống, 1.028 loài cá nước ngọt; hệ sinh thái biển và ven biển, có 11.000 loài sinh vật, trong đó có 6.000 loài động vật đáy, 2.458 loài cá, 537 loài thực vật nổi, 225 loài tôm biển, 14 loài cỏ biển, 15 loài rắn biển, 5 loài rùa biển, 43 loài chim nước…
Đa dạng các nguồn gen: cả nước có 16 nhóm cây trồng khác nhau, với trên 800 loài. Ngân hàng cây trồng Quốc gia đang bảo tồn 12.207 giống của 115 loài cây trồng.
Nước ta có hệ động, thực vật, vi sinh vật và nấm trong tự nhiên rất phong phú và đa dạng. Theo thống kê, cả nước có 16.000 loài thực vật, hơn 21.000 loài động vật và khoảng 3.000 loài vi sinh vật và nấm, đứng thứ tư về số lượng các loài linh trưởng và là nơi cư trú của 4 trong 25 loài linh trưởng bị đe dọa diệt chủng cao trên thế giới; hơn 100 loài chim đặc hữu, 78 loài thú, bò sát, ếch nhái. Một số loài hoang dã có giá trị như Voọc mũi hếch, Voọc đầu trắng, Sao la, Sếu đầu đỏ, Khướu Ngọc Linh, Khướu vằn đầu đen…
Tuy nhiên, việc bảo tồn động, thực vật hoang dã nguy cấp ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, tổng số loài động, thực vật hoang dã trong thiên nhiên đang bị đe dọa là 882 loài, trong đó có 9 loài động vật được xem là tuyệt chủng ngoài tự nhiên như Tê giác 2 sừng, Bò xám, Heo vòi, Cầy rái cá, cá Chép gốc, cá Lợ thân thấp,cá Sấu hoa cà…
Nguyên nhân của sự suy giảm các loài động, thực vật hoang dã là do con người khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, việc chuyển đổi mục đích đất thiếu quy hoạch, sự du nhập của giống mới và sinh vật ngoại lai, sức ép của sự gia tăng dân số, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, có một nguyên nhân trực tiếp và gây hậu quả nghiêm trọng, đó là nạn buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hiện có khoảng 200 loài động, thực vật hoang dã, trong đó có 80 loài động vật quý hiếm, có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng nhưng đang bị kinh doanh sử dụng trên thị trường nước ta.
Đáng báo động là, tình trạng buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã đang có chiều hướng gia tăng. Từ năm 1997 đến năm 2003, cả nước đã xảy ra 182.804 vụ khai thác vận chuyển động vật hoang dã trái phép bị bắt giữ, với số lượng hơn 200 tấn các loại, đã bị xử phạt hành chính, bán hóa giá nộp ngân sách nhà nước hơn 300 tỷ đồng. Trong 2 năm 2007-2008 các cơ quan chức năng đã tịch thu và bán đấu giá hơn 30 tấn Tê tê…
Để bảo vệ có hiệu quả động, thực vật hoang dã cần thực hiện tốt các giải pháp:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ động, thực vật hoang dã nói riêng; xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền phải phù hợp với từng đối tượng, vùng miền. Quan tâm đối tượng là các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các cấp từ Trung ương đến cơ sở, các doanh nghiệp, lực lượng kiểm lâm, hải quan, công an, quân đội…
Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế bảo vệ động, thực vật hoang dã, sớm ban hành hướng dẫn thi hành Luật Đa dạng sinh học; xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định việc lồng ghép các vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường, động vật hoang dã vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Ba là, cần có sự hợp tác đa ngành, quy định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong việc quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên động, thực vật hoang dã. Chú trọng công tác kế hoạch hóa gia đình, phát triển dân số nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa sử dụng, quản lý tài nguyên đa dạng sinh học nói chung và động thực vật hoang dã nói riêng, đồng thời bảo đảm lợi ích và phúc lợi của nhân dân.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện hai biện pháp bảo tồn đã có: bảo tồn nguyên vị (IN-Situ, giữ nguyên tại vị trí) và chuyển vị (EX-Situ, chuyển vị trí); ưu tiên biện pháp bảo tồn nguyên vị nhưng không được xem nhẹ biện pháp bảo tồn chuyển vị.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hợp tác giúp đỡ về khoa học, kỹ thuật, tài chính, kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế trong công tác bảo vệ động, thực vật hoang dã.
Báo điện tử ĐCSVN