Mùa đông năm nay được dự báo là có nhiều đợt rét bất thường. Để bảo vệ đàn gia súc gia cầm trên cả nước, Bộ NN&PTNT vừa có chỉ thị yêu cầu các tỉnh thành phố quan tâm sát sao tới công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đàn gia súc.
Chúng tôi xin giới thiệu tới bà con phương pháp dự trữ thức ăn trong mùa khô để bà con tham khảo.
Phương pháp dự trữ thức ăn thô xanh thường gặp là phơi khô và ủ chua. Mỗi phương pháp điều có ưu điểm và hạn chế riêng. Vì vậy, với từng loại thức ăn và trong từng điều kiện cụ thể, người chăn nuôi sẽ quyết định chọn cách dự trữ phù hợp.
1. Phơi khô:
Thức ăn thô xanh khi dư thừa được cắt phơi khô, dự trữ để sử dụng vào mùa thiếu thức ăn cho gia súc. Việc phơi khô thức ăn (cỏ hoặc rơm) là cách làm nhằm thu được năng suất chất xanh cao nhất trên mỗi đơn vị diện tích, dự trữ được lâu và chủ động được nguồn thức ăn cho gia súc vào mùa khô. Làm giảm được độ ẩm trong thức ăn, tăng khả năng ăn vào của gia súc. Kích thích nhu động của dạ dày trước để đưa thức ăn xuống ruột và ra ngoài. Duy trì sự ổn định của dạ cỏ để vi sinh vật thực hiện các hoạt động phân giải thức ăn. Giảm nguy cơ bị bệnh ceton huyết và bệnh nghẽn dạ lá sách. Đối với bê con cỏ khô còn kích thích sự phát triển của dạ cỏ.
Thời điểm thích hợp để thu hoạch cỏ làm thức ăn khô là lúc cỏ sắp ra hoa. Sau thời điểm thích hợp này, khả năng ăn vào của gia súc bị giảm 0,5% mỗi ngày (thu hoạch chậm).
2. Ủ chua:
Cắt cỏ thành từng đoạn, phơi héo, băm cỏ ra thành từng đoạn nhỏ cho vào dụng cụ ủ, nén bớt không khí, phủ kín hố ủ, Thời gian ủ ít nhất là 2 tuần. Sau thời gian này, quá trình lên men của các vi sinh vật trong hố ủ sẽ ngừng lại, hố ủ ổn định và có thể lấy thức ăn ra sử dụng. Thức ăn ủ chua có chất lượng tốt thì thường có mùi chua dễ chịu, có màu dưa cải, không có nấm mốc, không có nhớt.
Ưu điểm của thức ăn ủ là loại thức ăn có tính ngon miệng cao, hàm lượng đạm, khoáng, vitamin nhiều hơn so với các loại cỏ khác. Thức ăn ủ là thức ăn lý tưởng cho gia súc trong trường hợp thời tiết bất lợi không có cỏ xanh và cỏ khô. Dùng cỏ ủ là phương pháp tiết kiệm vì gia súc có thể sử dụng hết phần thân cỏ, đồng thời có thể giữ được đến 85% giá trị dinh dưỡng trong thức ăn xanh đem ủ. Tuy nhiên, nếu chất lượng ủ kém, ẩm độ không phù hợp thì thức ăn có thể bị hư hỏng, bị mốc, gây độc cho gia súc.
3. Ủ héo:
Ủ héo là phương pháp trung gian giữa làm cỏ khô và ủ tươi, cỏ dùng làm ủ héo có hàm lượng chất khô cao hơn dùng để ủ tươi. Cỏ ủ héo thường lên men ít, lượng chất dinh dưỡng bị mất đi trong quá trình ủ thường ít hơn.
Cách ủ cỏ héo như sau: Cỏ hàng ngày đem về, tùy theo số lượng và độ ẩm hiện tại, có thể ủ ngay hoặc phơi tái rồi ủ. Độ ẩm của cỏ phải trong khoảng từ 50%-60%, dùng bao nylon hay bất cứ bao PVC nào, cho cỏ vào từng lớp, nén chặt, sau đó cho lớp khác, cứ như vậy cho đến khi bao chứa đầy cỏ. Chú ý nén càng chặt, càng tốt. Sau khi bao đầy cỏ, dùng dây buộc kín miệng bao lại rồi cho bao cỏ vào bao nylon thứ 2, buộc thật kín, sau đó đem để nơi nào tránh được chuột hay các côn trùng khác phá hoại. Đây là khâu quyết định nếu bao bị hở thì cỏ trong bao sẽ bị hư hỏng
Theo Báo điện tử KTĐT