Trong vòng hơn một tháng, ba cơn bão số 9, 10 và 11 liên tiếp đổ bộ vào nước ta, trong đó hai cơn bão số 9 và số 11 đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa, tài sản, sản xuất và hạ tầng cơ sở.
Chủ động đối phó để giảm thấp nhất thiệt hại
Từ ngày 29-9 đến ngày 2-11, ba cơn bão số 9, 10 và 11 đã đổ bộ vào nước ra. Riêng cơn bão số 10, đi vào vùng gần bờ biển các tỉnh từ Thái Bình đến Ninh Bình, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nên thiệt hại nhẹ. Trong bão số 9, các lực lượng đã cứu được 22 vụ trên biển với 162 người dân. Ủy ban quốc gia TKCN đã huy động bốn máy bay lên thẳng chở gần bốn tấn hàng cứu trợ đến các vùng bị ngập lụt chia cắt ở tỉnh Kon Tum,Quảng Nam và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ngay ngày 2-10, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định trợ giúp 10 nghìn tấn gạo, 500 tỷ đồng cho các địa phương ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất. Ngay sau bão, các đoàn công tác của các bộ, ngành đã trực tiếp chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, khôi phục các công trình hạ tầng cơ sở.
Sau thiệt hại do bão số 9, 11 gây ra, có một số ý kiến cho rằng, công tác dự báo chưa thật chính xác; còn tư tưởng chủ quan, công tác chuẩn bị theo phương châm "bốn tại chỗ" chưa tốt; việc xả lũ ở các hồ chứa nước làm cho thiệt hại càng nặng nề về người và vật chất... Ðể làm rõ những vấn đề này, chúng tôi đã làm việc với Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, Văn phòng Ban chỉ đạo PCLB T.Ư và qua các kênh thông tin khác để nhìn nhận một cách khách quan.
Dựa vào các bản tin dự báo cơn bão số 9, Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư đã thực hiện đúng quy trình dự báo, các bản tin liên tục được điều chỉnh phù hợp diễn biến thực tế của bão. Trong cuộc họp với lãnh đạo UBND các tỉnh miền trung, Tây Nguyên và lãnh đạo các bộ, ngành để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ban chỉ đạo PCLB T.Ư đánh giá: Công tác dự báo bão số 9 kịp thời, tương đối chính xác, đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo, đối phó thiên tai. Vì vậy, hơn 356 nghìn người dân ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Kon Tum được di dời ra khỏi vùng nguy hiểm trước khi bão đổ bộ vào. Mưa to, lũ lớn cũng được cảnh báo và dự báo trước. Công tác chỉ đạo, điều hành từ Chính phủ đến Ban chỉ đạo PCLB T.Ư tương đối sát tình hình thực tế. Các công điện của Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo PCLB T.Ư chỉ đạo rất cụ thể các việc cần làm trong ứng phó với bão. Hầu hết các địa phương đã chủ động phòng, chống và điều hành tốt công tác phòng, chống bão, nhất là các tỉnh được Thủ tướng biểu dương là Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và TP Ðà Nẵng. Vì vậy, qua cả hai cơn bão, hầu hết các tàu, thuyền đều kịp về nơi trú ẩn an toàn, giảm thiểu thiệt hại về người và tàu, thuyền trên biển. Tuy nhiên, lãnh đạo một địa phương có nhiều thiệt hại về người và tài sản lại cho rằng, việc dự báo vị trí tâm bão đổ bộ vào đất liền chưa chính xác, nên địa phương này bị thiệt hại nặng. Theo chúng tôi, cần nhìn nhận một thực tế là, khi tâm bão cách đất liền 500 km về phía đông, Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư đã phát tin bão khẩn cấp và cảnh báo sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Ðịnh và bắc Tây Nguyên. Khi bão xảy ra, Ban chỉ huy PCLB và TKCN ở các địa phương đã phối hợp chặt chẽ lực lượng quân đội, công an, lực lượng TKCN phòng, chống và ứng cứu. Như vậy, mức độ nguy hiểm của bão số 9 đã được cảnh báo, dù bão có vào chậm hay nhanh, điểm đổ bộ có chính xác đến từng km hay không thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là tinh thần chủ động trong phòng, chống, đối phó với bão, trong chuẩn bị nhân lực, vật tư phương tiện theo phương châm "bốn tại chỗ" của các địa phương. Ðương nhiên, việc nâng cao chất lượng dự báo là yêu cầu thường xuyên, không được chủ quan, lơ là. Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần tăng cường đầu tư hơn nữa cả về cơ sở vật chất kỹ thuật và cán bộ kỹ thuật có trình độ cao cho công tác dự báo thời tiết.
Công tác phòng, chống bão số 11 cũng được các địa phương, bộ, ngành triển khai ráo riết. Lực lượng quân đội, công an cùng lực lượng xung kích địa phương đã sơ tán và cứu được 43.429 người ra khỏi vùng nguy hiểm trong bão, lũ. Mặc dù vậy, cơn bão số 11 làm 123 người chết, một người mất tích và 145 người bị thương. Theo nhận xét của Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, số người chết chủ yếu do lũ lên nhanh, ngập sâu và xảy ra trong đêm tối ở hai tỉnh Phú Yên và Bình Ðịnh. Ở tỉnh Khánh Hòa có 14 người chết do chèo ghe đi chơi khi có lũ lớn ở thị trấn Ninh Hòa, một số trường hợp khác do bất cẩn.
Những vấn đề cần khắc phục
Hai cơn bão số 9 và số 11 làm chết và mất tích 298 người (bão số 9: 174 người, bão số 11: 124 người); thiệt hại về vật chất ước tính hơn 19 nghìn tỷ đồng. Con số thiệt hại này cần được các cơ quan có trách nhiệm rà soát lại, phân tích, đánh giá, để từ đó có giải pháp khắc phục hiệu quả. Theo các đồng chí ở Văn phòng Ban chỉ đạo PCLB T.Ư đã trực tiếp tham gia công tác chỉ đạo phòng, chống bão và khắc phục hậu quả tại các địa phương số người chết nhiều chủ yếu là do lũ lớn, lên nhanh, phương tiện cứu nạn, cứu hộ còn thiếu. Cán bộ có trách nhiệm ở một vài nơi còn tư tưởng chủ quan, chưa chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện tốt công tác "bốn tại chỗ", nhất là khâu hậu cần và phương tiện tại chỗ để có thể di dời đến nơi an toàn khi bị ngập sâu.
Ðồng chí Trần Quang Hoài, Phó Chi cục trưởng Ðê điều và PCLB cho biết, trong cơn bão số 11 vừa qua, khi tham gia chỉ đạo phòng, chống bão ở tỉnh Phú Yên, do lũ lên nhanh, xe của đoàn bị kẹt ở một trạm bán xăng gần thị trấn Sông Cầu. Lúc đó là nửa đêm. Có hai thanh niên cầm một chiếc săm ô-tô đến mượn các anh hai áo phao để đi cứu người. Chỉ sau hai giờ, hai thanh niên đó quay lại trả áo phao, họ nói rằng đã cứu được chín người ở hai gia đình bị ngập sâu, trong đó có một cháu nhỏ mới sinh. Qua câu chuyện này, đồng chí Hoài cho rằng, các tỉnh miền trung là nơi thường xảy ra ngập lụt, sao các hộ dân không có thuyền phòng khi lũ gây ngập lụt để di dời? Lực lượng cứu hộ, cứu nạn quân đội, công an đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình, làm được gì đã làm tất cả. Nhưng trong việc cứu nạn, cứu hộ, cần có quy chế điều động phương tiện một cách linh hoạt, hợp lý giữa các địa phương sẽ đem lại hiệu quả cao hơn, ngoài phương tiện hiện đại vẫn cần phương tiện thô sơ, nhất là xuồng và phao cứu sinh.
Về vấn đề xả lũ ở các hồ chứa thủy điện cũng là điều cần được các cơ quan có trách nhiệm phân tích, làm rõ, ở các tỉnh miền trung đã xây dựng hàng trăm công trình thủy điện vừa và nhỏ. Ðể xây dựng các công trình này, ngoài việc hồ chứa nước làm ngập hàng trăm ha rừng, thì việc làm đường thi công các công trình này cũng phá đi một diện tích rừng đáng kể. Nạn phá rừng là nguyên nhân làm cho lũ dồn về nhanh hơn và sẽ gây cạn kiệt nguồn nước ngầm, nguồn sinh thủy trên các hệ thống sông, suối. Nhiều công trình thủy điện không ký hợp đồng với ngành khí tượng - thủy văn để dự báo mưa, lũ để xây dựng quy trình điều tiết hợp lý. Hầu hết các hồ thủy điện trên một dòng sông chưa có quy trình vận hành liên hồ. Vấn đề đặt ra là cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch thủy điện để các hồ chứa nước thủy điện làm tốt hơn nhiệm vụ cắt lũ và cấp nước tưới, sinh hoạt.
Thiên tai vượt quá sức chống đỡ của con người thì thiệt hại do khách quan là điều khó tránh khỏi. Song các yếu tố chủ quan, yếu kém hoặc thiếu trách nhiệm làm tăng thêm mức độ thiệt hại cần được làm rõ và sớm có giải pháp khắc phục. Ðó là yêu cầu đặt ra trong việc phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Theo NhanDan Online