Cập nhật: 27/11/2009 22:31:28 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hội thảo quốc gia về CNTT và truyền thông 2009 với chủ đề “Hiện trạng, thị trường và định hướng phát triển CNTT-TT Việt Nam giai đoạn tới” do Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT và Bộ TT&TT tổ chức đã diễn ra ngày 26.11.2009 tại Hà Nội.

Gần 400 đại biểu trong nước và quốc tế gồm các chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn, công ty lớn và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT đã tham dự hội thảo. Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo QG về CNTT Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

 

Tốc độ tăng trưởng CNTT rất ấn tượng

 

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, toàn ngành CNTT luôn tăng trưởng trên 20-25% từ năm 2000 trở lại đây. Trước năm 2007 ngành CNTT duy trì mức tăng khoảng 20%/năm, năm 2008, 2009 tốc độ tăng trưởng bị chậm lại nhưng tổng doanh thu năm 2008 vẫn đạt 5,22 tỷ USD với mức tăng trưởng khoảng hơn 20% so với năm 2007. Trong đó ngành công nghiệp phần cứng và thiết bị điện tử luôn nằm trong top 10 ngành công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao, năm 2008 doanh thu xuất khẩu đạt trên 2,7 tỷ USD với thị trường xuất khẩu vươn tới trên 35 nước. Về công nghiệp sản xuất phần mềm, theo kết quả nghiên cứu mới nhất của A.T. Kearney (Công ty tư vấn hàng đầu thế giới của Mỹ) thì Việt Nam là quốc gia tăng hạng nhanh nhất trong bảng xếp hạng các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm (từ vị trí thứ 19 năm 2007 lên vị trí thứ 10 năm 2008). Trong vòng 10 năm, doanh thu công nghiệp sản xuất phần mềm Việt Nam tăng gần 19 lần, với mức tăng trung bình gần 35%/năm. Mức tăng trưởng doanh thu năm 2008 dù có giảm nhưng vẫn đạt 35%, đạt 680 triệu USD. Năm 2009 ước tính lĩnh vực này vẫn tăng trưởng khoảng gần 30%, đạt 880 triệu USD. Năm 2008 cả nước có hơn 1000 công ty phần mềm sử dụng khoảng 57.000 nhân công, nhiều sản phẩm phần mềm đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế. Riêng ngành viễn thông có tốc độ phát triển chóng mặt, hiện đã có 8 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, 7 nhà cung cấp di động 2G, 5 nhà cung cấp di động 3G và nhiều nhà cung cấp dịch vụ mạng Internet. Số lượng thuê bao và người sử dụng điện thoại, Internet cũng tăng trưởng vượt bậc. Thống kê cho thấy số thuê bao điện thoại (cố định và di động) tăng trưởng trung bình 40-45%/năm, hiện đạt 101 triệu thuê bao, chiếm tỷ lệ 117 máy/100 dân. Số người dùng Internet tăng trung bình 40%/năm, hiện đạt 21,4 triệu người dùng, chiếm tỷ lệ 24,9 người dùng Internet/100 dân.

 

Ứng dụng rộng rãi CNTT trong nhiều lĩnh vực

 

Ứng dụng CNTT ở Việt Nam được đánh giá là phát triển rất nhanh ở nhiều lĩnh vực và trở thành yếu tố không thể thiếu trong nhiều ngành kinh tế quan trọng như tài chính, ngân hàng, viễn thông, hàng không... Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước phát triển mạnh từ 2008 trở lại đây, nhiều cơ quan đã tin học hoá gần 100%, số cán bộ công chức sử dụng thư điện tử đạt tỷ lệ cao, nhiều cuộc họp của Chính phủ, Bộ, ngành được tổ chức trực tuyến qua internet. 100% bệnh viện quốc gia và khoảng 50% bệnh viện tỉnh đã có trang web. CNTT cũng được đẩy mạnh ứng dụng trong GD&ĐT. Hầu hết các trường ĐH-CĐ đã có trang web, đa số các trường THPT và trên 50% trường THCS đã có Internet. Hầu hết các Bộ, tỉnh có trang web riêng. Đa số CBCC sử dụng máy tính cá nhân và Internet, đạt tỷ lệ ở cấp Bộ là trên 80%, và cấp tỉnh là trên 50%. Chi cho ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước chiếm khoảng 30% tổng chi tiêu cho CNTT của cả nước. Ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng rất ấn tượng với 86,5% các DN đã ứng dụng CNTT. Các sản phẩm CNTT được các DN ứng dụng quan tâm nhiều nhất là các phần mềm cơ bản, phục vụ các công việc thông thường. Trong khi đó thị trường mua sắm CNTT của người dân nhiều nhất là mua sắm máy tính cá nhân phục vụ nhu cầu thiết yếu như truy cập thông tin và học tập, giải trí. Các ứng dụng phần mềm tập trung chủ yếu vào giải trí điện tử, các dịch vụ gia tăng trên mạng internet, mạng di động... Về truyền thông, các mảng thông tin số, báo chí điện tử phát triển mạnh và đã bắt đầu cạnh tranh khốc liệt với báo in....

 

Các chính sách phát triển CNTT

 

Nhà nước có chính sách nhất quán khuyến khích đầu tư  vào Việt Nam, nổi bật là đầu tư vào lĩnh vực CNTT. Các tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới được tạo điều kiện đã đầu tư vào Việt Nam như Sony, Intel, Samsung, Canon, Fujisu, LG..., trong đó có các dự án đầu tư với số vốn rất lớn. Trong các dự án đầu tư lớn phải kể đến dự án đầu tư 1 tỷ USD của Intel, kế tiếp là Foxcon (Đài Loan, TQ), Samsung (Hàn Quốc)... Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm một vài dự án lớn  bị chững lại nhưng hiện tại khi nền kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục, các nhà đầu tư tiếp tục mở rộng kinh doanh. Điển hình là tháng 10.2009, Samsung khai trương nhà máy sản xuất điện thoại di động với kế hoạch sản lượng sẽ đạt đến 1,5 triệu chiếc/tháng. Hiện nhiều tập đoàn lớn trong nước đang có kế hoạch đầu tư mạnh như VTC, Viettel... Theo ông Nguyễn Trọng Đường- Quyền Vụ trưởng Vụ CNTT- Bộ TT&TT thì định hướng cơ bản của chiến lược phát triển CNTT là tập trung nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, các chính sách hỗ trợ phát triển để hình thành các khu CNTT tập trung cấp quốc gia cũng như các khu CNTT tập trung tại các địa phương. Đồng thời ưu tiên phát triển những lĩnh vực mà CNTT của Việt Nam có thế mạnh như công nghiệp sản xuất phần mềm và công nghiệp nội dung số. Theo đó cần xây dựng thương hiệu quốc gia, xúc tiến đầu tư và phát triển thị trường cho ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam, hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm và nội dung số có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trước mắt cần nghiên cứu thành lập Quỹ Phát triển công nghệ phần mềm và nội dung số cùng Quỹ Phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam. Đồng thời tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế tài chính và đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực CNTT...

 

 

 

Theo  Báo Văn Hóa Online

 

Tệp đính kèm