Cập nhật: 05/12/2009 17:14:52 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đó là thông điệp được đưa ra tại Hội thảo An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đối với lao động nông nghiệp ở Việt Nam, do Hội Khoa học kỹ thuật An toàn và vệ sinh lao động Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.

Hiện nay, số lao động trong nông nghiệp chiếm khoảng 70% lực lượng lao động của cả nước. Hàng ngày, họ phải tiếp xúc với rất nhiều nguy cơ rủi ro về an toàn và sức khoẻ liên quan đến lao động nông nghiệp, như: nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), mất an toàn sử dụng điện, máy móc nông nghiệp...

 

Nguyên nhân làm gia tăng hộ nghèo đói

 

Bà Nguyễn Thị Thơm, Ban Xã hội Dân số Gia đình (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) cho biết, việc sử dụng các loại hoá chất, phân bón, thuốc trừ sâu, sử dụng điện và máy móc không an toàn gây ra những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của người nông dân. Những gia đình có người thân bị tai nạn thường mất nguồn thu nhập, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế gia đình và rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn do không còn khả năng lao động sản xuất. Hậu quả của việc người nông dân bị tai nạn lao động đã góp phần gia tăng tỷ lệ nghèo đói tại khu vực nông thôn.

 

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2008 cả nước  đã có gần 6.810 vụ , với hơn 7.570 trường hợp nhiễm độc thuốc BVTV, trong đó gần 140 trường hợp bị tử vong, cao hơn so với năm trước 1,4 lần. Trong các trường hợp tử vong, đa phần là do nhiễm độc vì không sử dụng trang thiết bị bảo hộ; một số ít do uống nhầm thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, theo bà Thơm, trên đây chỉ là con số thống kê được, khi các vụ ngộ độc xảy ra lớn và phải vào viện. Còn tính cả những vụ ngộ độc không được nông dân khai báo thì chắc con số trên sẽ phải lớn hơn nhiều. 

 

Cũng theo số liệu được công bố từ kết quả điều tra của đại học Quốc gia Hà Nội, cả nước hiện có khoảng 15-29 triệu người thường xuyên tiếp xúc với thuốc BVTV, nguy hại hơn 70% trong số này có triệu chứng ngộ độc. Vụ Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng chỉ rõ, ngộ độc thuốc BVTV là một trong mười nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại các bệnh viện, chỉ sau cao huyết áp, phổi và tai nạn giao thông.

 

 Bên cạnh đó, việc sử dụng điện và máy móc nông nghiệp cũng đặt ra nhiều vấn đề lo ngại về an toàn lao động. Phần lớn máy móc, thiết bị nông nghiệp đưa vào sử dụng thiếu các bộ phận che chắn an toàn, đa số người lao động chưa hiểu rõ và chưa nắm được các nguyên tắc về an toàn trong sử dụng máy móc nông nghiệp.

 

Tai nạn lao động trong sử dụng điện và máy móc nông nghiệp chiếm tỷ lệ khá cao: cứ 100.000 người lao động, có 799 lượt người bị tai nạn lao động về điện và 856 lượt người bị tai nạn lao động về máy móc nông nghiệp. Riêng trong các trang trại đã có 22,6% số người bị tai nạn, trong đó 6,2% bị máy cán, kẹp.

 

Nhận thức về ATVSLĐ còn thấp

 

Về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhức nhối trên bà Thơm phân tích, kiến thức, trình độ, nhận thức của người nông dân về vấn đề ATVSLĐ còn thấp. Cụ thể, đa số nông dân khi sử dụng thuốc BVTV đã không hiểu hết được mức độ nguy hiểm, độc hại của nó gây ra nếu như không dùng đúng cách, đúng liều lượng quy định… Thực tế cho thấy, khi phỏng vấn một số hộ dân về dùng thuốc BVTV họ trả lời có biết đó là nguy hiểm, độc hại nhưng còn độc hại đến mức nào thì họ không biết.

 

Bên cạnh đó, với những thói quen tâm lý, giản đơn trong lao động đã  hạn chế người nông dân tiếp xúc với những kiến thức lao động chuyên môn và kiến thức về ATVSLĐ. Chẳng hạn như khi phun thuốc trừ sâu phải sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động như khẩu trang, găng tay, ủng…, nhưng nhiều người cho sử dụng những phương tiện đó chỉ thêm vướng và khó làm việc. Có những gia đình còn để  thuốc trừ sâu ngay trong khu sinh hoạt của gia đình mà không hề ghi nhãn mác hay khoá cẩn thận, thậm chí có những người nông dân khi đang pha chế thuốc sâu cũng châm thuốc để hút, hoặc lấy tay lau lên mặt, thậm chí ăn uống trong quá trình pha chế thuốc.

 

Theo bà Thơm, có đến 67,3% lao động nông nghiệp không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân khi tiếp xúc với thuốc BVTV; khoảng 80% số người lao động vứt vỏ chai, bao chứa thuốc BVTV ngoài đồng ruộng. Lượng thuốc BVTV sử dụng trên một đơn vị diện tích đất canh tác vượt mức khuyến cáo 2,81 lần ở đồng bằng sông Hồng và 3,71 lần ở đồng bằng sông Cửu Long.

Có một số nông dân vì mục đích kinh tế, lợi nhuận đã lạm dụng thuốc BVTV để tăng năng suất cây trồng. Có một số lại nghĩ, tăng liều lượng thuốc BVTV sẽ nhanh chóng diệt trừ được sâu bệnh. Lao động nông nghiệp hầu hết chưa qua đào tạo nghề, họ thường làm việc theo yếu tố tự phát và dựa vào kinh nghiệm. Đây cũng là những thiệt thòi của người nông dân khi mà công nhân làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp hầu hết được qua các trường lớp đào tạo về nghề, còn nông dân thì không. Việc tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, dẫn đến nhận thức của người dân về ATVSLĐ chưa đầy đủ.

 

Thay đổi cách thức tuyên truyền

 

Trên thực tế, công tác tuyên truyền về ATVSLĐ trong nông nghiệp chưa sâu rộng đến nông dân. Các hoạt động tuyên tuyền còn mang tính phong trào, chưa đặt thành mục tiêu chiến lược, chủ yếu vẫn là bề nổi, thời điểm, nên mức độ tác động đến người nông dân chưa cao

 

Vì vậy, bà Thơm cho rằng, vấn đề quan trọng là tuyên truyền kịp thời để người dân nhận thức đúng và đầy đủ về mức độ nguy hiểm, mất an toàn trong lao động nông nghiệp. Đặc biệt là nông dân các vùng sâu, vùng xa khi điều kiện kinh tế của họ còn thấp và họ chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với các thông tin về ATVSLĐ trong nông nghiệp.

 

Còn theo Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Hội ATVSLĐ Việt Nam Tiến sỹ Đinh Hạnh Thưng, cần tăng cường biện pháp tổ chức quản lý, thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ đối với nông nghiệp và nông dân. Đồng thời, phải tiến hành bổ sung chính sách ATVSLĐ cho nông dân; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và UBND các cấp trong công tác ATVSLĐ đối với nông nghiệp và nông dân; bổ sung nhiệm vụ quyền hạn cho các chức danh về công tác ATVSLĐ cho nông dân, đồng thời ban hành thông tư hướng dẫn về công tác này.

 

 

 

Theo HNM Online

Tệp đính kèm