Cập nhật: 11/05/2010 16:06:57 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trước tình hình bùng phát dịch lợn tai xanh, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ những biện pháp ngăn chặn, dập dịch; đồng thời, có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi theo mặt bằng chung...

Địa phương mới nhất vừa công bố dịch tai xanh trên lợn (ngày 9/5) là tỉnh Bắc Giang. Dịch tai xanh xảy ra tại 124 hộ chăn nuôi lợn ở 9 xã của huyện Yên Dũng với gần 990 con lợn mắc bệnh, trong đó đã chết và tiêu huỷ 115 con.

 

Để chủ động phòng, chống và không để dịch tai xanh lan rộng, ông Vũ Quốc Hùng, Trưởng phòng kiểm dịch, Chi cục Thú y Bắc Giang cho biết: “Chúng tôi giám sát tốt để phát hiện kịp thời các trường hợp lợn mắc bệnh; đồng thời thực hiện quản lý chặt chẽ không cho di chuyển lợn ra khỏi các vùng dịch. Số lợn mắc bệnh được giữ lại kiểm tra xem xét và quyết định điều trị. Trong tình hình có dịch tai xanh, người chăn nuôi phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của ngành thú y đã đưa ra, trong đó phải tiêm phòng triệt để các loại vaccine mà ngành thú y đã khuyến cáo. Khi không may có dịch xảy ra thì phải báo cáo kịp thời cho cơ quan chuyên môn để có hướng dẫn để xử lý, không nên tự ý điều trị không đúng”.

 

Tỉnh Hưng Yên vừa công bố thêm huyện Khoái Châu có dịch lợn tai xanh. Với 2 huyện có dịch tai xanh, số lợn mắc bệnh là gần 19.000 con, trong đó, số lợn chết và tiêu hủy khoảng 9.300 con. Huyện Khoái Châu và Văn Lâm đã thành lập hơn 40 chốt kiểm dịch thú y tại các xã đang có dịch, hỗ trợ thuốc vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khuyến cáo các gia đình mua thêm vôi bột để khử độc quanh khu vực chăn nuôi.

 

Ông Trịnh Văn Quyết, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hưng Yên, chia sẻ kinh nghiệm: Rút kinh nghiệm của dịch tai xanh năm 2007, chi cục hỗ trợ cho dân ở mức cao hơn để người dân không tự ý người ta bán chạy và mổ lợn. Người dân có lợn bị ốm, bệnh phải báo cho hệ thống thú y, chính quyền từ thôn trở lên. Hiện tượng tẩu tán lợn và phụ phẩm từ lợn môi trường thực tế đã hạn chế nhiều so với các địa phương khác.

 

Như vậy đến nay, cả nước có 13 tỉnh, thành phố là Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Ninh và Bắc Giang có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cục Thú y tiếp tục cử cán bộ xuống địa bàn, hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch tai xanh; đồng thời, góp ý với địa phương để có chính sách hỗ trợ tiêu hủy gia súc bị bệnh hợp lí theo mặt bằng chung. Ngoài ra, chính quyền các địa phương đang có dịch cần tổ chức kiểm soát chặt chẽ khâu vận chuyển và hoạt động của lò giết mổ gia súc... Đôn đốc thực hiện tiêm phòng bổ sung đợt 1/2010 cho đàn gia súc, không để dịch tai xanh lây lan trên diện rộng./.

 

 

Theo vovnews.vn

Tệp đính kèm