“Văn hoá nhận thức trong dân ta về hiểu biết Luật, sống theo Luật còn quá yếu, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Trẻ em cũng chưa được trang bị kiến thức về những quyền cơ bản của mình, khi bị xâm hại cũng chưa biết tự bảo vệ, không biết đến kêu ở đâu” - Tiến sỹ Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em chia sẻ.
Ở Việt Nam, Tiến sỹ Trần Thị Thanh Thanh có lẽ là một trong những tên tuổi gắn bó nhiều nhất trong những công tác về trẻ em. Từng làm luận án phó Tiến sỹ ở Liên Xô về Giáo dục học đối với lứa tuổi học sinh, đồng thời có thâm niên hoạt động trong lĩnh vực này từ gần 50 năm qua, bà đã kinh qua các chức vụ quản lý ở Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng, Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em…
Năm 2008, cùng với nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Trần Thị Tâm Đan… bà là thành viên trong Ban vận động thành lập Hội bảo vệ quyền trẻ em, một tổ chức xã hội đầu tiên ở Việt Nam về các vấn đề trẻ em, và được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội này.
Nhân dịp cả xã hội xôn xao về tình trạng bạo hành trẻ em, bà dành cho VnMedia nhiều chia sẻ.
Hiểu biết Luật, sống theo Luật còn kém
Là Chủ tich Hội Bảo vệ Quyền trẻ em, bà tiếp nhận những thông tin về vụ bạo hành trẻ em dã man ở Cà Mau với cảm xúc như thế nào?
Tôi thấy rất xót xa khi xem hình ảnh các thương tích trên cơ thể cháu bé và càng cảm thấy rõ ràng rằng trẻ em của ta còn bị xâm hại, còn chưa được bảo vệ đầy đủ.
Nhưng tôi cũng thấy có điểm mừng là nhờ có vụ việc này, báo chí tích cực lên tiếng hơn và dư luận xã hội, nhân dân quan tâm nhiều hơn đến thực trạng bạo hành trẻ em.
Thời gian không xa đây là bao, cũng đã có nhiều vụ việc bạo hành, ngược đãi trẻ em khá nghiêm trọng như vụ đâm kim khâu lốp vào đầu cháu bé 4 tháng tuổi ở Thái Nguyên, bé gái 11 tuổi bị đánh dã man vì bị nghi ăn cắp 48.000 đồng ở Nghệ An… nhưng chưa đủ làm dư luận ý thức đến vấn đề này.
Khi có sự quan tâm lớn của cả xã hội như lúc này chính là dịp chúng ta cần hành động để tìm cách giải quyết vấn đề. Mấy năm trước, khi có một số vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng tương tự, như vụ bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa, vụ em Nguyễn Thị Bình, thực trạng này đã được đề cập khá mạnh mẽ nhưng vẫn tiếp diễn. Khó có thể lạc quan là sẽ không tiếp tục có những Hào Anh nữa.
Nhận thức văn hóa trong dân của ta về hiểu biết Luật, sống theo Luật còn quá yếu. Đặc biệt là những nơi ở vùng sâu, vùng xa, những nhận thức cơ bản còn chưa đến được với nhiều người dân, họ còn xử lý hành vi của mình theo tập quán, bản năng.
Xã hội cần chú ý và nâng cao hơn nữa trách nhiệm về bảo vệ trẻ em. Về phía trẻ em, chúng ta cũng chưa trang bị cho các em kiến thức về những quyền cơ bản của mình. Các em khi bị xâm hại cũng chưa biết tự bảo vệ, không biết đến kêu ở đâu.
Trong vụ việc này, em Hào Anh ở nơi biệt lập, ít ai biết tới, phải cam chịu cực hình trong thời gian dài để phải chịu tổn thương ở mức độ nghiêm trọng đã đành. Nhưng vụ việc em Nguyễn Thị Bình ngay ở Hà Nội cũng thế, 13 năm mới ra ánh sáng để giờ em còn chịu nhiều di hại nặng nề.
Còn gần 3 triệu trẻ em cần bảo vệ
Những vụ việc nghiêm trọng như thế này cho thấy cơ chế bảo vệ trẻ em của chúng ta còn rất nhiều bất cập. Ngoài tình trạng bạo hành, còn bao nhiêu vấn đề xã hội khác liên quan đến trẻ em chưa có dịp được để tâm đúng mức. Bà có chia sẻ suy nghĩ này?
Còn rất nhiều trẻ em cần sự quan tâm sâu rộng, thiết thực hơn của xã hội, như các đối tượng trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trẻ bị buôn bán, bị lạm dụng tình dục, trẻ tật nguyền, mồ côi, bị ruồng bỏ, trẻ lang thang cơ nhỡ và trẻ sống trong cảnh nghèo đói. Theo thống kê, con số này lên tới gần 3 triệu trẻ em.
Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới và đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em, cách đây 20 năm rồi. Nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có hệ thống bảo vệ trẻ em một cách toàn diện cũng như chưa có các dịch vụ bảo vệ trẻ em. Ta có Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhưng luật còn chưa cụ thể hóa bằng những thông tư, văn bản… để bảo vệ các quyền con người một cách cụ thể và thiết thực.
Nhà nước đã đặt vấn đề xây dựng Chiến lược quốc gia về Bảo vệ trẻ em nhằm thiết lập bộ máy và hệ thống bảo vệ trẻ em nhưng triển khai còn chậm. Cơ chế bắt đầu xây dựng từ thời còn Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, giờ Ủy ban giải tán mà vẫn còn trong quá trình dự thảo… từ năm 2006 đến nay, quá lâu rồi.
Ở trên bà cho rằng, sự quan tâm của dư luận lúc này là dịp thích hợp để tìm cách giải quyết vấn đề. Theo bà thì phải bắt đầu từ đâu?
Đầu tiên là vấn đề nhận thức luật pháp. Công tác giáo dục, truyền thông về mặt này của chúng ta còn kém. Chúng ta có quá nhiều lớp học tuyên truyền, hết dự án này đến dự án khác… nhưng chưa điều chỉnh nguồn lực hợp lý. Còn nhiễu chỗ trũng, có những nơi được chọn làm dự án vì ở trung tâm, dễ truyền thông, dễ nổi tiếng, trong khi có những nơi, những đối tượng cần thì chưa được tiếp cận.
Bên cạnh đó, việc đào tạo về công tác xã hội còn chưa được chú ý. Qua đi tham khảo nước ngoài, chúng tôi thấy ở Pháp, Úc, Thụy Điển, Na Uy… những nơi bảo vệ trẻ em tốt, công tác xã hội của họ rất được quan tâm, và trở thành một nghề. Họ có chuyên môn, có quyền bảo vệ trẻ em, có cơ chế phối hợp trực tiếp với tòa án cho nên làm rất hiệu quả.
Gần đây chúng ta mới có quyết định của Thủ tướng về nghề công tác xã hội. Hội cũng đang xây dựng những mô hình dịch vụ bảo vệ trẻ em thông qua mạng lưới những người tình nguyện ở địa phương. Ở những nơi có nòng cốt phát hiện các vụ việc này sẽ chú ý hơn đến huấn luyện những kỹ năng, kiến thức, bảo vệ quyền trẻ em… cho các đội tình nguyện.
Về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chắc cũng sẽ có những hành động khác nữa.
Xin cảm ơn bà.
Báo điện tử VNMedia