Cập nhật: 20/05/2010 16:04:29 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nguy cơ lạm phát cao trở lại vẫn còn tiềm ẩn; vấn đề lao động và việc làm; giáo dục, đào tạo, y tế và xã hội; công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch và tài nguyên, môi trường; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là những vấn đề “nóng” được Chủ tịch UBMTTQVN Huỳnh Đảm đã trình bày tại bản Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân sáng 20/5.

Cử tri bức xúc về tình trạng tăng giá

 

Mặc dù Chính phủ đã có những giải pháp tích cực nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng nền kinh tế nước ta còn có những diễn biến phức tạp.

 

Việc kiểm soát giá cả thị trường, ngăn chặn tình trạng tăng giá dây chuyền các mặt hàng thiết yếu của các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế; giá điện, giá xăng dầu liên tục tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân, nhất là nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp.  

 

Tiến độ và lộ trình cải cách tiền lương không theo kịp với tốc độ tăng giá trên thị trường, ảnh hưởng đến đời sống của người về hưu, người hưởng lương từ ngân sách. Nhiều cử tri khối các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ phản ánh khó khăn trong việc vay vốn của ngân hàng, làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Đông đảo cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những biện pháp hữu hiệu để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; đồng thời chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục cải cách hành chính, có cơ chế phù hợp để nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn phát triển sản xuất, đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.

 

Báo động về đạo đức và lớp sống của giới trẻ

 

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm chỉ đạo ngành giáo dục tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có giáo dục bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

 

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa theo kịp đòi hỏi phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm, số tìm được việc làm thì phải mất thời gian đào tạo lại mới tiếp cận được công việc thực tế.

 

Tình trạng các cơ quan chức năng cho phép thành lập một số trường đại học, cao đẳng ở các địa phương, trong khi cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy, học tập thiếu thốn, lạc hậu, thiếu đội ngũ giảng viên đủ tiêu chuẩn… gây bức xúc trong nhân dân.

 

Đông đảo cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo sớm khắc phục tình trạng trên.

 

Tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, coi thường tính mạng người khác và chính bản thân mình của một bộ phận giới trẻ; tình trạng học sinh vi phạm pháp luật, sử dụng thuốc lắc, ma túy, xem và lưu giữ phim ảnh đồi trụy, hành xử theo kiểu giang hồ, xã hội đen… có xu hướng gia tăng, nhất là ở các thành phố lớn; tình trạng bạo lực gia đình, nạn bạo hành đối với trẻ em, bạo lực học đường cùng với thái độ thờ ơ của nhiều người… đang là nỗi lo của xã hội.

 

Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh của nhiều trường chưa được đề cao. Nội dung chương trình giáo dục đạo đức công dân còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn xã hội; một số nhà trường chưa chủ động có những giải pháp ngăn chặn cái xấu trong học sinh dẫn đến những vụ việc đáng tiếc xảy ra.

 

Đông đảo cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung nghiên cứu để có những giải pháp đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ về cả chất và lượng của ngành giáo dục; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và gia đình để quản lý, giáo dục thanh thiếu niên, giúp các em có lối sống lành mạnh, có kỹ năng ứng xử phù hợp với các chuẩn mực về đạo đức và các quy tắc trong xã hội.

 

Trong lĩnh vực y tế nhiều cử tri phản ánh tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trung ương; vấn đề y đức của người thầy thuốc cũng đang được cử tri và nhân dân quan tâm lo lắng; tình trạng một số bác sỹ cấu kết với các nhà thuốc kê đơn nhiều thuốc, thuốc đắt tiền không cần thiết cho người bệnh để hưởng hoa hồng, gây bức xúc trong nhân dân, làm giảm lòng tin của nhân dân vào y đức của đội ngũ thầy thuốc và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân.

 

Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi hơn

 

Cử tri và nhân dân hoan nghênh thời gian qua Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

 

Tuy nhiên, đông đảo cử tri cho rằng tham nhũng vẫn diễn ra nhiều nơi, nhiều lĩnh vực và ngày càng tinh vi, phức tạp nhưng các cơ quan chức năng phát hiện còn ít; một số vụ tham nhũng lớn việc xử lý còn chậm; một số vụ xử lý chưa thoả đáng, gây bất bình, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp và hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng. 

 

Cử tri và nhân dân phản ánh thời gian qua việc tổ chức các lễ hội, việc trao tặng các danh hiệu, các loại cúp cho các doanh nghiệp diễn ra ở nhiều nơi, không được quản lý chặt chẽ, gây lãng phí tiền của, thời gian, sức lực của Nhà nước và nhân dân.

 

Cử  tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên.

 

Cử tri và nhân dân băn khoăn lo lắng, phản ảnh về những yếu kém trong đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn nhà nước, nhiều công trình dự án không đảm bảo tiến độ, không ít công trình thực hiện dở dang, chất lượng kém, gây lãng phí tiền của nhà nước và nhân dân; thậm chí có công trình trọng điểm quốc gia, công trình chào mừng các ngày lễ lớn chất lượng chưa đảm bảo, gần đây nhất là vụ sập dầm cầu cạn Pháp Vân ở Hà Nội…

 

Cử  tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng sớm có giải pháp để khắc phục tình trạng trên, đồng thời kiên quyết không để hiện tượng “chạy đua” thời gian, gây lãng phí, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

 

 

 

Theo Báo Khoa học Đời Sống Online

Tệp đính kèm