Cập nhật: 05/08/2010 14:52:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đến nay, dịch đã lan ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước với hàng chục ngàn con lợn mắc bệnh. Tại Cao Bằng, dịch lợn tai xanh tiếp tục lây lan trên diện rộng và chưa có dấu hiệu suy giảm.

Mới đây, huyện Trùng Khánh là địa phương thứ 3 (sau thị xã Cao Bằng và huyện Hoà An) có dịch lợn tai xanh tại 17/20 xã với gần 1.300 con mắc bệnh, trong đó trên 550 con đã chết và bị tiêu huỷ.

 

Như vậy, kể từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên tại thị xã Cao Bằng vào ngày 1/5 đến nay, dịch lợn tai xanh đã lây lan tại trên 110 thôn, bản thuộc 36 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thị xã Cao Bằng, huyện Hoà An và huyện Trùng Khánh với gần 5.300 con mắc bệnh, trong đó có hơn 3.000 con chết và bị tiêu huỷ.

 

Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, cán bộ thú y huyện Trùng Khánh tập trung hướng dẫn bà con các biện pháp: điều trị lợn ốm, phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, tiến hành tiêu huỷ ngay lợn mắc bệnh nặng để đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh lây lan; tuyên truyền vận động người dân thực hiện “5 không”: không dấu dịch, không bán chạy lợn ốm, không vứt xác lợn bệnh chết bừa bãi, không vận chuyển lợn bệnh ra khỏi vùng dịch, không mua lợn bệnh, sản phẩm lợn bệnh.

 

** Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau, nguy cơ bùng phát dịch lợn tai xanh trên địa bàn hiện rất cao. Nguyên nhân là do ở nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bạc Liêu đã xuất hiện dịch bệnh này trên đàn lợn nên không loại trừ lợn mang mầm bệnh, nhiễm bệnh xâm nhập vào địa bàn.

 

Công tác tiêm phòng các bệnh cho gia súc trong hơn 7 tháng qua mới đạt 13,15% kế hoạch năm, với hơn 25.500 liều. Toàn tỉnh Cà Mau mới chỉ xây dựng được 7 lò giết mổ gia súc, công tác quản lý, kiểm soát giết mổ, vận chuyển, mua bán gia súc trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn.

 

Tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tăng cường kiểm tra việc vận chuyển gia súc vào tỉnh; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, mua bán gia súc tại các điểm chợ.

 

** Đến ngày 4/8, dịch lợn tai xanh tại Bạc Liêu lây lan ra 17 ấp khóm, của 5 xã phường, 3 huyện thị gồm: Vĩnh Lợi, Hòa Bình và thị xã Bạc Liêu, với hơn 260 con lợn mắc bệnh đã tiêu hủy. Mặc dù dịch lợn tai xanh tái phát trở lại nhiều ngày qua, nhưng đến nay các địa phương mới thống kê, kiểm soát tổng đàn; tiêu hủy lợn bệnh khi có hộ dân báo, hướng dẫn phun hóa chất phòng ngừa mầm bệnh…

 

** Ngày 4/8, UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện Bù Đăng khẩn trương thành lập chốt kiểm dịch phòng chống dịch lợn tai xanh tại xã Đăng Hà để thực hiện việc kiểm dịch 24/24 giờ; kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc gia cầm qua lại giữa Bình Phước và Đồng Nai.

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước, những ngày qua trên địa bàn xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng đã phát hiện lợn nghi bị bệnh tai xanh. Hiện nay, việc vận chuyển lợn trên tuyến đường từ Nam Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai qua xã Đăng Hà hết sức phức tạp. Các cơ quan chức năng tiến hành phun thuốc sát trùng tất cả các phương tiện vận chuyển động vật, không cho nhập động vật, sản phẩm động vật nghi nhiễm bệnh, không có giấy chứng nhận kiểm dịch; đối với lợn bệnh tịch thu tiêu hủy không hỗ trợ đền bù.

 

** Ngày 4/8, các ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa tiến hành tiêu huỷ trên 50 con lợn mắc bệnh tai xanh, xảy ra tại ổ dịch thuộc xã Ninh Quang, huyện Ninh Hòa, và được xem là ổ dịch đầu tiên ở Khánh Hòa. Điều đáng lo ngại là do lợn chết hàng loạt nên nhiều hộ không thể tiêu hủy hết và mang lợn chết bỏ vào bao tải thả xuống kênh mương hay các bãi rác gây nên tình trạng ô nhiễm và độ lây nhiễm bệnh gia tăng./.

 

 

 

Theo TTXVN

Tệp đính kèm