Cập nhật: 12/08/2010 15:58:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), tại các tỉnh Bắc Bộ, bệnh lùn sọc đen xuất hiện triệu chứng trên lúa ở 17/25 tỉnh, thành phố với diện tích nhiễm gần 3.300 ha.

Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, đến nay bệnh lùn sọc đen đã phát sinh gây hại hơn 5.750 ha lúa ở thời kỳ đẻ nhánh, làm đòng tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế... Trên cây mía cũng xuất hiện bệnh chồi cỏ ở Nghệ An (với gần 1.900 ha, trong đó  nhiễm nặng 305,8 ha); bọ hung đen gây hại ở Thanh Hóa với diện tích nhiễm 282 ha. Ở các tỉnh phía nam cũng đang phải đối mặt với dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, sâu cuốn lá nhỏ và bệnh đạo ôn. Cục BVTV chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và các đối tượng sâu bệnh hại chủ yếu trên các cây trồng chính, tổ chức phun trừ những diện tích cây trồng có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao. Cục BVTV và Viện BVTV đã cử nhiều đoàn cán bộ xuống địa phương nắm tình hình, lấy mẫu bệnh đem giám định, đồng thời thống nhất với địa phương các biện pháp xử lý.

 

Tỉnh Phú Thọ có hơn 12.000 ha lúa mùa bị sâu cuốn lá nhỏ và bệnh khô vằn, mật độ sâu trung bình 20-30 con/m2, có nơi 50-60 con/m2, cá biệt hơn 150 con/m2. Ngành nông nghiệp tỉnh yêu cầu các địa phương huy động cán bộ kỹ thuật tổng kiểm tra đồng ruộng trên địa bàn để nắm rõ diện tích, tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng vụ mùa và xác định các giải pháp kỹ thuật cần can thiệp; làm tốt công tác điều tra, dự báo sâu bệnh, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật về chăm sóc, thâm canh, phòng trừ sâu bệnh cho lúa.

 

Theo Cục Thú y, tại tỉnh Lâm Ðồng, dịch lợn tai xanh đã có ở 11/12 xã, thị trấn của huyện Cát Tiên, với tổng số lợn mắc bệnh là 2.917. Chi cục Thú y cùng với chính quyền địa phương đang tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Như vậy, hiện cả nước đã có 17 tỉnh, thành phố là Nghệ An, Cao Bằng, Sóc Trăng, Tiền Giang, Lào Cai, Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, Quảng Nam, Ðồng Nai, Bình Phước, Ðà Nẵng, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Ðác Lắc, Hậu Giang và Lâm Ðồng có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày. Ngày 11-8, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch lợn tai xanh. Gần 100 thành viên đại diện 24 quận, huyện, trạm thú y, các sở, ban, ngành và doanh nghiệp có liên quan tham gia hội nghị. UBND thành phố cũng vừa quyết định bổ sung kinh phí phòng, chống dịch lợn tai xanh năm 2010, hơn bảy tỷ đồng phân bổ về các quận 12, Bình Tân và các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn hơn 6,6 tỷ đồng; về Chi cục Thú y gần 380 triệu đồng. Hiện TP Hà Nội có năm cơ sở giết mổ gia súc gia cầm công nghiệp, công suất 1.200 con lợn (60 tấn/ngày) và 14.500 gia cầm (23,10 tấn/ngày). Ðể bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, cuối năm nay thành phố sẽ đóng cửa các cơ sở, điểm giết mổ thủ công và gần 4.000 hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.

 

 

Theo Nhandan Online

 

Tệp đính kèm