Cập nhật: 30/08/2010 15:06:11 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ ngày 29-8, 17.120 phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù tại các trại giam trong cả nước đủ điều kiện chính thức được ra tù theo Quyết định đặc xá năm 2010 của Chủ tịch nước.

 

Niềm hạnh phúc, vui sướng không chỉ rạng ngời trên khuôn mặt họ và người thân, mà nụ cười còn nở trên môi những người quản giáo cả đời làm công việc nhọc nhằn "phục thiện".

 

Ðợt đặc xá này, trại giam Thanh Xuân, Hà Nội có 303 phạm nhân được đặc xá tha tù trước thời hạn, trong đó có 21 phạm nhân người nước ngoài. Ngay từ sáng sớm ngày 29-8, mặc dù trời mưa, nhưng đông đảo thân nhân phạm nhân được đặc xá đã có mặt ở cổng trại để đón người thân trở về với gia đình. Ðến dự lễ công bố Quyết định số 1406/QÐ-CTN, ngày 24-8-2010 của Chủ tịch nước về đặc xá tha tù trước thời hạn năm 2010 tại trại giam này có đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá, đại diện nhiều cơ quan ở T.Ư có liên quan.

 

Trước giờ công bố Quyết định của Chủ tịch nước, đông đảo phạm nhân trong trại, kể cả những người có tên cũng như chưa có tên trong danh sách được đặc xá tha tù trước thời hạn năm 2010 đã có mặt đông đủ tại hội trường. Phạm nhân Lê Thị Hồng Nhung, 25 tuổi, ở Ngõ Chợ Khâm Thiên, Hà Nội phạm tội mua bán trái phép chất ma túy năm 17 tuổi, khi đang học lớp 12 vui mừng cho biết, em bị phạt 10 năm tù, đã thụ án được sáu năm rưỡi, nay được Nhà nước khoan hồng, tha tù trước thời hạn ba năm rưỡi. Em cảm thấy rất hồi hộp, phấn khởi. Em được biết, bố, mẹ, anh, chị, em và nhiều bạn học phổ thông trước đây đã đến cổng trại chờ đón em. Trong trại, em được học nghề may và đã được cấp chứng chỉ nghề. Ðược trở về địa phương đợt này, em mong muốn được đi học tiếp để tốt nghiệp PTTH và sẽ đi học lớp cắt quần áo để mở một cửa hàng cắt may nhỏ. Còn phạm nhân Nguyễn Cao Nhất, ở Thanh Oai, Hà Nội thì mong muốn khi trở về quê tiếp tục làm nghề cơ khí để ổn định cuộc sống và giúp đỡ gia đình. Nguyễn Cao Nhất phạm tội cố ý gây thương tích, bị phạt năm năm tù, đợt này được tha tù trước thời hạn hơn hai năm.

 

Tại sân trại giam Ngọc Lý (Bắc Giang), rất đông người nhà phạm nhân cũng nóng lòng ngóng chờ giây phút người thân được đặc xá ra trại. Chị Phạm Thị Tâm, con gái phạm nhân Phạm Thị Ngừng ở khu 6, Hải Hà, Móng Cái (Quảng Ninh) từ Hòn Gai đến trại đón mẹ từ sáng sớm. Chị hồ hởi cho biết, gia đình vô cùng phấn khởi khi biết tin mẹ chị được hưởng đặc xá, ra tù sớm hơn bảy năm. Chị kể, mẹ chị năm nay 56 tuổi, bố hy sinh, mình mẹ tần tảo sớm hôm nuôi chị em khôn lớn. Nhà làm nông, hoàn cảnh khó khăn, mẹ chị dại dột bế một đứa bé sang Trung Quốc, tiền công được 500 nghìn đồng. Bị phạt 10 năm tù, những ngày đầu mới đến trại, tuổi cao, bà Ngừng ưu tư, chán nản. Chị em Tâm rất hoang mang, lo lắng không biết ngày nào mẹ mới được về. Thương mẹ, hằng tháng, Tâm lên trại thăm, động viên mẹ yên tâm cải tạo. Ở trại, bà Ngừng được bố trí ở đội may, trực sinh. Tâm chia sẻ, khi biết tin mẹ được đặc xá, cả nhà rất mừng. Trong niềm hạnh phúc lớn lao, Tâm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đối với chính sách khoan hồng, nhân đạo của Ðảng, Nhà nước, Ban giám thị cùng hội đồng cán bộ trại. Chị hứa, sẽ động viên mẹ mau chóng hòa nhập cộng đồng, hoàn lương, chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước để không tái phạm. Phía trong hội trường, tâm trạng những phạm nhân được đặc xá dự buổi lễ công bố Quyết định đặc xá năm 2010 của Chủ tịch nước cũng hồi hộp, xốn xang không kém. Thời gian đoàn tụ chỉ còn tính bằng giờ. Những phạm nhân tuy chưa được đặc xá đợt này cũng vui lây, chia sẻ niềm vui với họ. Những ánh mắt rạng ngời pha lẫn giọt nước mắt.

 

Giám thị Nguyễn Bá Sản cho biết, năm nay trại Ngọc Lý có 480 phạm nhân được đặc xá. Những phạm nhân này không ngừng nỗ lực học tập, lao động, cải tạo tốt, đủ các điều kiện xét theo hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá. Kinh nghiệm nhiều năm làm đặc xá, trại nhanh chóng hoàn tất hồ sơ xét duyệt chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm khách quan, dân chủ, công bằng, không sót lọt. Mấy hôm nay, phạm nhân Tạ Minh Ngọc ở xóm Tự, Tam Sơn, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) thao thức cả đêm không ngủ. Bị phạt 38 tháng tù về tội cướp tài sản, do cải tạo tốt, Ngọc được đặc xá ra trại trước hơn ba tháng. Ðang là sinh viên cao đẳng y tế, ham mê cờ bạc, Ngọc cướp lại tiền của bạn chơi bạc rồi bị bắt. Khi đó, Ngọc rất hối hận, bao dự định tương lai tan vỡ. Ngay từ ngày đầu vào trại, Ngọc xác định phải thực hiện tốt nội quy trại, cải tạo thật tốt để sớm trở về. Ngọc bảo, đặc xá là chủ trương rất đúng đắn và nhân đạo, nguồn động viên rất lớn đối với những con người lầm lỗi như chúng em quyết tâm sửa sai. Nhờ có sự giúp đỡ, chỉ bảo của Ban giám thị và hội đồng cán bộ không quản ngày đêm cảm hóa, giáo dục bằng tình thương và trách nhiệm, Ngọc mới có ngày đặc xá hôm nay.

 

Năm nay, có 313 phạm nhân trại Ngọc Lý có người nhà đến đón và được trại tổ chức bàn giao trực tiếp. Số còn lại, trại giao cho công an các địa phương và bố trí xe đưa phạm nhân về cho chính quyền địa phương. Cùng chuyến xe của trại giam đưa phạm nhân Trần Danh Liu ở Nghĩa Trung, Việt Yên (Bắc Giang) về nhà, chúng tôi chứng kiến giây phút đoàn tụ bùi ngùi của hai mẹ con Liu. Bà Nguyễn Thị Ky, 65 tuổi, ôm chầm con khóc nức nở. Liu làm nghề xe ôm ở Quảng Ninh nhưng thỉnh thoảng vẫn mua ma túy cho khách quen đi xe. Ngày 21-12-2002, Liu bị bắt và phải vào trại với mức án 11 năm tù. Nghe tin ấy, bà Ky ngã quỵ. Tuổi già, sức yếu nhưng bà vẫn cố gắng thu xếp thời gian vào thăm con. Bà bảo, nghe tin con được ra tù sớm hai năm, mấy đêm nay đều mất ngủ. Bà mong Liu sẽ có công ăn việc làm, không quay trở lại con đường tội lỗi. Tại nhà Liu, rất đông bà con lối xóm tới hỏi thăm. Anh Nguyễn Hồng Cầm, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung cũng đến chia vui, thăm hỏi. Anh cho biết, xã có bảy doanh nghiệp đóng trên địa bàn, chính quyền xã sẽ tạo mọi điều kiện để Liu vào làm, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

 

65 năm qua, với chính sách khoan hồng của Ðảng và Nhà nước Việt Nam, đã có gần 40 lần đặc xá tha tù trước thời hạn cho hàng trăm nghìn phạm nhân trở về với gia đình và cộng đồng xã hội. Hầu hết những người được đặc xá trở về đều nhanh chóng được nhập lại hộ khẩu, cấp giấy chứng minh nhân dân và có việc làm ổn định. Rất nhiều người đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, được chính quyền và nhân dân ghi nhận; nhiều người đã tiếp tục học tập, tốt nghiệp đại học, nâng cao trình độ năng lực để có điều kiện tốt nhất cống hiến cho xã hội, làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình.

 

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm