Cập nhật: 20/11/2010 10:17:46 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khả năng hạn hán đã thấy rõ, nguy cơ dịch bệnh hại lúa cao, cộng thêm giá lúa giống, phân bón và nhiều loại vật tư khác tăng cao hơn so với năm trước là những dấu hiệu báo trước cho một vụ Đông Xuân 2010-2011 “chất chồng” khó khăn ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.

Tại hội nghị triển khai sản xuất vụ Đông-Xuân do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 19/11, tại Hà Nội, nhiều ý kiến đều thống nhất các địa phương ngay từ bây giờ phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó.

 

Đối mặt nhiều khó khăn

 

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn vừa và dài - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo trong các tháng tiếp theo của mùa khô, ở Bắc Bộ, đặc biệt là Bắc Trung Bộ hạn hán sẽ gay gắt hơn nhiều so với năm ngoái. Tình hình thiếu nước sẽ xảy ra do các hồ thủy điện chứa nước chỉ đạt 70-80% mực nước thiết kế, lượng mưa cả vụ ở Bắc bộ phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, do vậy vụ Đông Xuân 2010-2011 có thể sẽ phải hứng chịu những đợt khô hạn kéo dài.

 

Theo báo cáo của Cục Thủy lợi, tính đến ngày 16/11/2010, dung tích hữu ích của 3 hồ chứa thủy điện lớn như Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang còn thiếu hụt so với mức thiết kế khoảng 4,2 tỷ m3 nước.

 

Cục phó Cục Trồng trọt, ông Phan Huy Thông cho biết khả năng vào vụ có thể thiếu hụt lượng nước tưới tiêu tương đương với khoảng 200.000ha. Bên cạnh nỗi lo về nước, vụ Đông Xuân này còn đối mặt với nhiều khó khăn khác như giá một số loại phân bón tăng từ 15-20%; giá giống lúa lai cũng ở mức cao, từ 60.000-90.000 đồng/tấn tùy loại; ngoài ra lượng giống lúa lai hiện mới có khoảng 11.000 tấn, chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu.

 

Theo kế hoạch, tổng diện tích gieo cấy lúa Đông Xuân 2010-2011 của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ dự kiến khoảng 880.000ha (giảm từ 10.000-15.000ha so với vụ trước), năng suất bình quân đạt từ 58-64 tạ/ha và sản lượng đạt khoảng 5,4 triệu tấn thóc. Diện tích lúa lai tại Đồng bằng sông Hồng khoảng 160.000 ha, chiếm 30% diện tích gieo cấy; ở Bắc Trung Bộ lúa lai gieo cấy khoảng 140.000ha, chiếm 42% diện tích gieo cấy. Đây được coi là vụ sản xuất chính, chiếm khoảng 55% sản lượng lương thực trong cả năm.

 

Tích nước và chuyển đổi cơ cấu cây trồng

 

Ông Đặng Duy Hiển, Trưởng phòng Tưới tiêu, Cục Thủy lợi đề nghị, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ ngay từ bây giờ cần theo dõi sát sao diễn biến mực nước sông, thủy triều để vận hành hệ thống phân phối nước, tích nước hợp lý; đồng thời triển khai nạo vét kênh mương, cửa khẩu, chuẩn bị máy bơm dã chiến. Dự kiến, vụ Đông-Xuân này, khối lượng cần nạo vét từ 18-22 triệu m3, điện bơm tưới khoảng 130 triệu kWh.

 

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, ông Nguyễn Trí Ngọc, ngoài sử dụng tối đa các công trình tưới nước tiết kiệm, năm nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng thống nhất tập trung đổ ải 2 đợt để tiết kiệm nước (dự kiến đợt 1 từ ngày 27/1 đến 2/2/2011; đợt 2 từ ngày 8/2 đến 14/2/2011).

 

Ông Ngọc cũng cho biết, việc giảm diện tích gieo cấy vụ này từ 10.000-15.000ha ở Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ là để chuyển sang cây trồng cạn như ngô, rau màu. Những vùng khó khăn về nước cần sớm có kế hoạch chuyển đổi cây trồng phù hợp.

 

Một giải pháp nữa được Cục Trồng trọt đề ra trong vụ này là tính toán thời điểm xuống giống tập trung chủ yếu cho trà xuân muộn. Cụ thể, ở vùng Đồng bằng sông Hồng, trà xuân sớm gieo mạ từ ngày 15-25/11/2010; xuân chính vụ gieo từ ngày 5-15/12/2010, cấy từ 15/1/2011 đến 30/1/2011. Đối với trà xuân muộn, phấn đấu chiếm từ 95-97% tổng diện tích vụ xuân, chỉ đạo gieo mạ sau tiết đại hàn từ ngày 25/1-10/2/2011.

 

Ở vùng Bắc Trung Bộ, diện tích lúa xuân muộn chiếm khoảng 60% và tập trung chỉ đạo gieo mạ từ ngày 10/1-20/1/2011, cấy từ ngày 1-10/2/2011. Trà xuân sớm gieo mạ từ ngày 30/11-5/12/2010.

 

Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo, mỗi địa phương ở Đồng bằng sông Hồng nên chọn từ 3-4 giống lúa chủ lực và 1-2 giống phụ để vừa tạo điều kiện sản xuất hàng hóa, đồng thời giảm sức ép về thời vụ, sâu bệnh, giá cả. Đối với vùng Bắc Trung Bộ mở rộng tối đa diện tích lúa lai của các tổ hợp có năng suất cao, chất lượng gạo ngon như: TH3-3, TH3-4, Thiên nguyên ưu 16, Nghi hương 2308…

 

Riêng với các tỉnh miền Trung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị Chính phủ cho xuất hết lượng giống dự trữ nhằm hỗ trợ người dân vùng thiên tai, lũ lụt vừa qua gieo trồng vụ đông xuân. Ở các tỉnh này, người dân nên sử dụng các giống ngắn ngày, chất lượng khá, năng suất cao để ứng phó với sâu bệnh và thời tiết bất thường./.

 

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Tệp đính kèm