Cập nhật: 30/12/2010 16:39:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

Để giảm sự lây lan dịch ở mức thấp, cần duy trì và đảm bảo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm được thực hiện ở tất cả các tuyến với chất lượng tốt

Tính đến thời điểm hiện nay, nước ta không có trường hợp tử vong vì cúm A/H1N1 không xảy ra bùng phát thành dịch lớn, tỷ lệ người mắc và tử vong do dịch bệnh đã giảm mạnh so với năm 2009. Tuy nhiên, thời tiết cuối năm chuyển lạnh sẽ giảm sức đề kháng của gia cầm và việc mua bán vận chuyển gia cầm ồ ạt trong dịp giáp Tết Nguyên đán sẽ tạo ra nguy cơ bùng phát bệnh dịch trở lại. PV VOV phỏng vấn ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (VSDTTƯ) về vấn đề này.

 

** Xin ông cho biết những khó khăn, bất cập trong công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay?

 

Ông Nguyễn Trần Hiển: Những khó khăn, thách thức đó là: Sự biến động về dân cư, đô thị hóa; sự biến đổi về thời tiết khí hậu, hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm môi trường; sự biến chủng của vi sinh vật... tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh đã được khống chế xuất hiện trở lại. Công tác giám sát và phòng dịch chủ động còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực. Sự thay đổi cơ cấu tổ chức lại tuyến huyện, nhiều trung tâm y tế dự phòng huyện mới đi vào hoạt động còn thiếu cán bộ, đặc biệt nhiều cán bộ thay đổi hoặc chuyển công tác khác. Chính sách và chế độ đãi ngộ của Nhà nước cho hệ thống y tế dự phòng còn rất thấp nên chưa thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng ở lại làm việc lâu dài.

 

** Trong dịp giáp Tết, nhu cầu buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm tăng mạnh, liệu có làm tăng nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H5N1, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Trần Hiển: Hiện nay, cả nước còn 3 tỉnh là Nam Định, Nghệ An, Cà Mau có dịch cúm gia cầm. Trong đó xảy ra chủ yếu ở những ổ dịch cũ chưa được tiêm phòng. Dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào đe dọa ngành chăn nuôi, và con người. Virus cúm H5N1 vẫn đang trú ẩn trong các đàn thủy cầm chưa được tiêm phòng. Thời tiết cuối năm chuyển lạnh làm giảm sức đề kháng của gia cầm, tăng tính cảm thụ với virus. Hơn nữa, hàng chục triệu gia cầm, thủy cầm được vận chuyển buôn bán, tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ tạo nguy cơ cao bùng phát và lây lan dịch H5N1 ở gia cầm, từ đó lây lan sang người.

 

Thực tế các ca nhiễm cúm H5N1 ở người trong thời gian qua thường xảy ra trước và sau Tết Âm lịch, đều có liên quan đến phơi nhiễm và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm bệnh. Chính vì vậy, trong dịp Tết này, cần thực hiện tốt các biện pháp như: phát hiện sớm hiện tượng gia cầm chết hàng loạt và thông báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn dịch lây lan; tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm nghi bị bệnh cúm; dùng Cloramin B và các chất khử khuẩn mạnh để diệt khuẩn, tẩy uế chuồng trại thường xuyên và các khu vực có dịch cúm gia cầm…

 

** Ông dự báo tình hình dịch bệnh năm 2011 sẽ như thế nào và những giải pháp quan trọng phòng ngừa là gì?

 

Chúng tôi dự đoán, năm 2011 nguy cơ bùng phát trở lại các bệnh dịch vẫn cao. Do đó, để giảm sự lây lan dịch ở mức thấp, chúng ta cần thực hiện tốt các giải pháp như: Duy trì và đảm bảo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm được thực hiện ở tất cả các tuyến với chất lượng tốt; Tăng cường công tác giám sát chủ động và tích cực nhằm phát hiện dịch sớm. Thành lập các đội cơ động để đối phó nhanh với từng tình huống khi có dịch xảy ra, nhanh chóng khoanh vùng dịch, cách ly nguồn lây, sử dụng thuốc dự phòng đúng chỉ định, xử lý triệt để chất thải và môi trường; Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho cộng đồng…

 

** Xin cảm ơn ông!./.

 

Theo vovnews.vn

 

Tệp đính kèm