Cập nhật: 17/02/2011 16:19:57 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thực hiện Công điện số 162/CĐ-TTg ngày 9.2.2011 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT-DL đã thành lập sáu đoàn kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại Ninh Bình, Quảng Nam, Bắc Ninh, Nam Định và huyện Mỹ Đức (Hà Nội) từ ngày 15 - 16.2.

Theo thông tin từ Bộ VH-TT-DL, vào ngày 15.2, hai đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Tiến Thọ và Huỳnh Vĩnh Ái làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại Quảng Nam và đền Trần (Nam Định). Ngày 16.2, bốn đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Tiến Thọ, Hồ Anh Tuấn, Lê Khánh Hải làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại chùa Bái Đính, khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình), Đền Bà Chúa Kho và Hội Lim (Bắc Ninh), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Sau khi kiểm tra, Bộ trưởng và các thứ trưởng và đoàn công tác sẽ làm việc với lãnh đạo các tỉnh về công tác tổ chức lễ hội.

 

Theo ông Vũ Xuân Thành - Chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL việc triển khai, thực hiện công điện của Thủ tướng chính phủ ở các địa phương tương đối tốt. Cho đến thời điểm hiện tại, công tác tổ chức, quản lý lễ hội tại các địa phương đã có những chuyển biến tích cực.

 

Ông cho hay: “Năm nay, hiện tượng ăn mày, ăn xin đã giảm, trật tự tại các bến xe tốt hơn, giao thông thuận lợi hơn. Tại lễ hội Bái Đính, khi đoàn kiểm tra xuống làm việc vào ngày hôm nay (16.2), không thấy có tình trạng ăn xin. Tuy nhiên, tình trạng để tiền lẻ lung tung, giắt lên tay tượng Phật vẫn còn. Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cần chấn chỉnh lại, thực hiện theo đúng công điện. Tại lễ hội Bà Chúa Kho, việc quản lý các trò chơi dân gian còn chưa chặt chẽ”.

 

Khi được hỏi liệu công tác kiểm tra có hiệu quả khi địa điểm và thời gian kiểm tra được Bộ VH-TT-DL công khai, ông Thành nói: “Bộ có hai lực lượng kiểm tra. Các đoàn do các Bộ trưởng và Thứ trưởng kiểm tra công khai một số điểm, lễ hội trọng điểm với nhiệm vụ chính là quán triệt và kiểm tra việc triển khai Công điện số 162/CĐ-TTg ngày 9.2.2011 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại các địa phương. Bên cạnh đó là nhiều đoàn thanh tra bí mật hiện vẫn đang làm việc tại Bắc Ninh, Nam Định, Yên Tử…”.

 

Vẫn diễn ra nhiều tệ nạn

 

Theo ghi nhận của Thanh Niên, trước khi có các đoàn kiểm tra của ngày, tại các lễ hội lớn vẫn diễn ra một số bất cập. Tại lễ hội chùa Hương, khai mạc ngày mùng 6 tết, vẫn còn diễn ra tình trạng chèo kéo, bắt khách từ khu vực ngoại thành Q.Hà Đông để sử dụng các dịch vụ đò, nhà trọ, ăn nghỉ khiến lực lượng công an phải xử lý. Trong lễ hội, tình trạng các chủ đò thu thêm tiền của du khách vẫn tiếp diễn, vẫn còn nạn bắt chẹt khách sử dụng dịch vụ ăn nghỉ, tình trạng bán thịt thú rừng hoặc giả thịt thú rừng để lừa bán cho du khách với giá cắt cổ vẫn tồn tại. Tương tự, vào đêm trước phiên chợ Viềng (Nam Định) họp ngày 8 tết, giá phòng trọ tại khu vực này đã tăng lên gấp nhiều lần do nhu cầu của du khách tăng cao.

 

Tại lễ hội Yên Tử, bắt đầu từ ngày 10 âm lịch, dù đã được chuẩn bị rất kỹ song trong những ngày đầu khai hội, vẫn diễn ra tình trạng tắc đường, tắc cáp treo và quá tải ở các chùa Hoa Yên, Chùa Đồng, tình trạng mất vệ sinh, mất an toàn cho du khách cần tiếp tục được chấn chỉnh. Ở Hội Lim (ngày 13 tháng giêng, tức 15.2) những đổi mới về phương pháp tổ chức các hoạt động biểu diễn quan họ chưa làm cho du khách toại nguyện khi ở lễ hội này còn có quá nhiều tệ nạn như cờ bạc, ăn xin, các trò chơi mang tính chất đỏ đen cũng như việc hát quan họ xin tiền trên thuyền giống như các năm trước. Cũng tại Bắc Ninh, lễ hội Đền Bà Chúa Kho vẫn trở thành nơi cầu cúng tài lộc đơn thuần, thay vì việc bày tỏ lòng tôn kính đối với một người có công, người ăn xin vẫn ngồi tràn trước lối vào đền…

 

 

Theo Thanh Niên Online

Tệp đính kèm