Cập nhật: 19/03/2011 22:48:36 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việc tuân thủ pháp luật, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn cho người lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia

Sáng 19/3, trong khuôn khổ các hoạt động nhân Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ 2011, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức Hỗ trợ phát triển của Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo Thanh tra lao động và cải thiện tuân thủ pháp luật về An toàn lao động và vệ sinh lao động.

 

Hội thảo gồm 3 chủ đề: Cưỡng chế tuân thủ pháp luật lao động của các doanh nghiệp - vai trò của thanh tra lao động; Thúc đẩy việc thực hiện pháp luật an toàn lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nâng cao năng lực thanh tra lao động - những bài học tốt.

 

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH trình bày tham luận về nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật lao động tại các doanh nghiệp và các giải pháp khắc phục. Theo đó, về phía người sử dụng lao động (SDLĐ), người SDLĐ luôn muốn mang lại lợi nhuận càng nhiều càng tốt, trong khi việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa nghiêm. Đôi khi, người SDLĐ là người nước ngoài lợi dụng chính sách khuyến khích đầu tư từ nước ngoài của Nhà nước Việt Nam, cộng với tình trạng cung lao động quá lớn so với cầu.v.v…

 

Về phía người lao động, nhận thức và hiểu biết vè pháp luật còn hạn chế, mong muốn có việc làm bằng mọi giá; người lao động không được đào tạo nghề và học tập nghiên cứu pháp luật lao động trước khi làm việc, chưa có tác phong công nghiệp và tinh thần kỷ luật lao động cao, trình độ tay nghề còn hạn chế…

 

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý các doanh nghiệp chưa tốt, công tác thanh kiểm tra chưa đầy đủ, thường xuyên, chưa xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm pháp luật lao động của người SDLĐ… Nhiều văn bản pháp luật còn chưa phù hợp với điều kiện thực tế.

 

Ông Nguyễn Tiến Tùng cũng nêu ra một số giải pháp khắc phục những hạn chế thời gian qua. Trong đó, quan trọng nhất là việc cần hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở xây dựng quan hệ lao động hữu hiệu. Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người SDLĐ, nâng cao ý thức tự giác, tác phong công nghiệp của người lao động. Thêm vào dó, cần phát huy vai trò giám sát, kiểm tra, tư vấn của đại diện người SDLĐ (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) và đại diện người lao động (tổ chức công đoàn).

 

Ông EJ Murtagh, chuyên gia Ban Quan hệ Lao động, Bộ Lao động Mỹ

trình bày Đánh giá nhanh Hệ thống thanh tra lao động Việt Nam

 

Ông EJ Murtagh, chuyên gia Ban Quan hệ Lao động, Bộ Lao động Mỹ trình bày Đánh giá nhanh Hệ thống thanh tra lao động Việt Nam. Nhận xét chung là, Bộ LĐ-TB&XH, các Sở LĐ-TB&XH và các tổ chức liên quan có phạm vi trách nhiệm rộng, cơ cấu tổ chức phức tạp nhưng biên chế thấp và số lượng thanh tra viên quá ít, chức năng nhiệm vụ quá nhiều, cần được đào tạo phù hợp hơn về các kỹ năng thực hành, các vấn đề chuyên môn nghiệp vụ…  Từ đó, ông Murtagh đề xuất một số vấn đề và cách thức cải thiện hệ thống thanh tra lao động. Trong đó có việc cải thiện công tác đạo tạo thanh tra lao động, biên chế thanh tra viên, công tác quản lý thanh tra, cải thiện công tác nghiên cứu và phát triển mạng lưới và xây dựng các hệ thống liên tục hoàn thiện…

 

Bà Đoàn Minh Hòa, chuyên gia tư vấn ATVSLĐ trình bày Hệ thống quản lý về an toàn và VSLĐ trong các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy công tác ATVSLĐ. Theo đó, bà Đoàn Minh Hòa nêu một số quy định của pháp luật Việt Nam về công tác ATVSLĐ trong doanh nghiệp, giới thiệu mô hình áp dụng các phương pháp cải thiện điều kiện lao động trong doanh nghiệp.

 

 Bà Đoàn Minh Hòa cũng trình bày Chính sách Quốc gia về cải thiện điều kiện lao động nhằm góp phần vào sự phát triển bền vững quốc gia. Theo đó,mục tiêu chung của Chương trình là Cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; chăm sóc sức khỏe người lao động; nâng cao nhận thức, bảo đảm tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, bảo đảm an toàn thân thể và tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.

 

Mục tiêu cụ thể của Chương trình Quốc gia giai đoạn 2011-2015: trung bình hằng năm tăng thêm2.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ.

 

Hội thảo cũng nghe các tham luận, ý kiến thảo luận về các vấn đề: thanh tra lao động và quan hệ lao động, thực hiện các cam kết quốc tế, các thách thức đối với thanh tra lao động, các giải pháp thúc đẩy việc tuân thủ pháp luật…/.

 

 

Theo vovnews

Tệp đính kèm