Cập nhật: 06/04/2011 21:41:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 5/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 và thực hiện Chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020.

Đẩy mạnh ứng dụng c và xây dựng Chính phủ điện tử là những vấn đề sẽ được Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt trong 5 năm tới.

 

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010 đã thu được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các nội dung thể chế; tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; tài chính công, góp phần hiện đại hóa nền hành chính.

 

Thực hiện Đề án 30, trong giai đoạn 1, cả nước đã thống kê được trên 5.700 thủ tục hành chính, trên 9.000 văn bản quy định và trên 100.000 biểu mẫu thống kê; trong giai đoạn 2, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc tự rà soát theo tiến độ và đạt chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% thủ tục hành chính.

 

Qua đó, mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân tiếp tục được hoàn thiện theo hướng mở rộng dân chủ, chú trọng việc lấy ý kiến nhân dân trước khi quyết định các chủ trương, chính sách quan trọng, tăng cường cơ chế giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước.

 

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001 – 2010, 7 bài học kinh nghiệm đã được rút ra:

 

Thứ nhất, nhận thức của các cấp, các ngành về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của CCHC đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước có ý nghĩa quyết định chi phối tới hành động cụ thể, trực tiếp trong CCHC.

 

Thứ hai, bảo đảm sự nhất quán, kiên trì, liên tục trong triển khai CCHC.

 

Thứ ba, công tác chỉ đạo triển khai thống nhất, đồng bộ từ Chính phủ tới chính quyền địa phương các cấp đóng vai trò quyết định đến sự thành công của cải cách.

 

Thứ tư, nâng cao vai trò của cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác điều phối chung, tổng hợp, đôn đốc và theo dõi việc thực hiện các nội dung, các đề án, dự án của Chương trình cải cách thủ tục hành chính.

 

Thứ năm, coi trọng công tác thí điểm, làm thử trong triển khai CCHC.

 

Thứ sáu, xác định các mục tiêu mang tính định lượng với mức độ phù hợp, thiết thực.

 

Thứ bảy,  điều kiện quan trọng bảo đảm sự thành công của CCHC là quyết tâm chính trị và trách nhiệm của người đứng đầu

 

Đánh giá về kết quả thực hiện cải cách hành chính 10 năm qua, Thủ tướng  Chính phủ cho rằng, cải cách hành chính đã có những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Qua cải cách hành chính, hoàn thiện bộ máy, thể chế đã từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

 

Tuy nhiên Thủ tướng cũng chỉ rõ, so với mục tiêu: “Đến năm 2010, xây dựng được một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại,” công tác cải cách hành chính vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.

 

Thủ tướng nhấn mạnh, trong 10 năm tới, nhiệm vụ cải cách hành chính trong đó có hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính phải thiết lập được môi trường kinh doanh sòng phẳng, minh bạch, tạo thuận lợi cao nhất cho doanh nghiệp và người dân, nhằm giải phóng sức lao động, tiến tới hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Đáng chú ý, Thủ tướng đề nghị xây dựng rõ chức danh, tiêu chuẩn của từng vị trí cán bộ, công chức thuộc từng ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị. Trong cải cách tài chính công, cần giảm đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung nguồn vốn cho cải cách tiền lương, an sinh xã hội, đi đôi với thực hiện tốt việc giảm biên chế; cải cách chi cho nghiên cứu khoa học theo hướng đảm bảo hoạt động này hiệu quả hơn; xây dựng cơ chế học phí hợp lý để góp phần phát triển giáo dục quốc gia.

 

Liên quan đến vấn đề về hiện đại hóa nền hành chính, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử; cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần rất tốt trong CCHC; thông qua các cuộc họp trực tuyến sẽ tiết kiệm được thời gian, tiền bạc của nhà nước…

 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử là những vấn đề sẽ được Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt trong 5 năm tới.

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm