Cập nhật: 14/04/2011 16:04:48 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hiện nay các tỉnh phía bắc đang chịu chi phối của rìa phía nam rãnh áp thấp đang có trục khoảng 23 - 25 độ bắc, riêng phía đông Bắc Bộ chịu ảnh hưởng của rìa tây nam lưỡi áp cao lục địa có cường độ yếu cho nên trời nhiều mây, có mưa vài nơi, nhiệt độ trong ngày giảm nhẹ nhưng vẫn nắng nóng.

Các tỉnh phía nam chịu ảnh hưởng của rìa tây nam lưỡi áp cao cận nhiệt đới cho nên nắng nóng vẫn gay gắt, nhiệt độ cao nhất ở miền đông là 35oC. Dự báo cuối tuần phía bắc có khả năng chịu một đợt không khí lạnh yếu, chỉ làm nền nhiệt độ giảm khoảng 2o.

 

Các chuyên gia khí tượng - thủy văn nhận định, năm nay, nửa đầu mùa hè, các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra một số đợt nắng nóng, tuy nhiên mức độ sẽ ít hơn, phạm vi ảnh hưởng không rộng, cường độ không gay gắt và không kéo dài như năm 2010. Cuối mùa hè có khả năng nhiệt độ cao như cùng kỳ năm ngoái. Các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có nhiệt độ mùa hè ở mức tương đương các năm trước. Trên phạm vi cả nước, lượng mưa nói chung sẽ cao hơn. Ở miền bắc và miền trung, các đợt mưa lớn sẽ tập trung vào thời kỳ các tháng từ tháng 5 đến tháng 7. Lượng mưa cao hơn mọi năm vào đầu mùa và xấp xỉ mọi năm vào cuối mùa. Các tỉnh phía nam và Tây Nguyên, mùa mưa đến sớm, trong mười ngày đầu tháng 5, tập trung đầu mùa hè. Cuối mùa, lượng mưa tương đương trung bình các năm trước.

 

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, trong tháng 4, phần lớn các sông chính vùng đồng bằng sông Cửu Long đều bị nước mặn xâm nhập sâu hơn so cùng kỳ năm 2010, với độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm. Ðến cuối tháng 4, mức độ mặn giảm, nhưng nước mặn xâm nhập sâu sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân. Ngoài ra, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, mùa mưa mới bắt đầu ở các địa phương Nam Bộ. Do vậy, các tỉnh cần chủ động hạn chế tác hại của hạn, mặn nhằm ổn định sản xuất và đời sống.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tiến hành kiểm tra công tác phát triển rừng, quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại các khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc và Vườn quốc gia Hoàng Liên. Từ đầu năm đến nay, khu vực Tây Nguyên đã xảy ra 12 vụ cháy rừng, với diện tích cháy gần 10 nghìn ha. Tổng cục Lâm nghiệp cảnh báo, tình hình cháy rừng tại khu vực Tây Nguyên còn diễn ra phức tạp, nguy cơ xảy ra nhiều vụ cháy rừng lớn cao. Tuy số vụ cháy rừng xảy ra ngày một tăng song tại khu vực này việc triển khai các dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp còn chậm, chưa đúng tiến độ được phê duyệt, chưa thu hút sự tham gia của người dân địa phương, còn buông lỏng trong công tác bảo vệ rừng.

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  Quảng Nam, trong mười năm qua, bằng nguồn vốn huy động từ nhiều kênh, toàn tỉnh đầu tư 200 tỷ đồng để kiên cố hóa hơn 500 km kênh mương thủy lợi; góp phần tăng diện tích tưới chủ động cho các loại cây trồng ở các địa phương. Hiện còn 2.000 km kênh mương các loại ở các huyện: Ðại Lộc, Ðiện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn, Nông Sơn, Hiệp Ðức... đang xuống cấp và chưa được đầu tư kiên cố.

 

UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2011 trên địa bàn. Ðể chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời với những diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND thành phố yêu cầu các ban, ngành, địa phương tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai năm 2010, qua đó phát huy những ưu điểm, những việc mang lại hiệu quả thiết thực, đồng thời làm rõ nguyên nhân những hạn chế, yếu kém để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời trong mùa mưa bão năm nay.

 

Ðến nay, trên địa bàn TP Hải Phòng có hơn mười nghìn ha lúa bị bệnh nghẹt rễ, vàng lá, chiếm 30% số diện tích gieo cấy cả vụ đông xuân. UBND thành phố đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương tập trung hướng dẫn nông dân chăm bón lúa đúng kỹ thuật, bằng mọi cách không để giảm năng suất lúa. Ngành nông nghiệp tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông xuân tại các xã, phối hợp các doanh nghiệp cung ứng phân bón hữu cơ, phân bón lá vi sinh cho nông dân với giá ưu đãi thông qua các HTX nông nghiệp, trạm khuyến nông....

 

UBND TP Ðà Nẵng vừa có chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố. Theo đó, giao Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo các xã, phường, khu dân cư, hộ gia đình có chăn nuôi thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Thú y quy định về phòng, chống dịch bệnh ở động vật và các văn bản chỉ đạo liên quan đến các loại dịch bệnh ở gia súc, gia cầm; quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn; tăng cường hoạt động giám sát dịch bệnh đến từng hộ, trại chăn nuôi; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phòng, chống các bệnh bắt buộc đối với gia súc gia cầm; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành của địa phương trong tháng 4-2011.

 

UBND tỉnh Ðác Nông vừa quyết định bổ sung kinh phí ngoài dự toán năm 2011 cho các huyện, thị xã hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn bị bệnh tai xanh tiêu hủy và công tác phòng, chống dịch lợn tai xanh năm 2010 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổng số tiền hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi là 3 tỷ 737 triệu đồng, trong đó hỗ trợ trực tiếp người chăn nuôi là 2 tỷ 209 triệu đồng và công tác phòng, chống dịch là 1 tỷ 529 triệu đồng.

 

Hiện nay, tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), người dân đang khó khăn về nguồn giống mía để trồng lại, vì mía bị chết hàng loạt sau hơn hai tháng trồng do nguồn giống kém chất lượng. Ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo bà con cần chủ động tìm nguồn giống mía tốt cho những vụ sau, bằng cách mỗi hộ dành một phần diện tích đất để trồng mía giống, hoặc thông qua Câu lạc bộ 200 tấn ở xã Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp) để chọn nguồn giống mía chất lượng, hạn chế mua các giống mía trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

 

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm