Cập nhật: 18/04/2011 16:13:10 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ở Việt Nam, theo Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, không chỉ có lụt bão mà còn xuất hiện khả năng sóng thần từ những trận động đất ngoài khơi Thái Bình Dương. Ngoài ra vấn nạn hạn hán ngày càng gay gắt.

Không loại trừ sóng thần, động đất

 

Theo Tiến sĩ Lê Huy Minh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, động đất xuất hiện ở rãnh gãy gần Philippines là điều hoàn toàn có thể xảy ra mà nhiều nhà khoa học đã cảnh báo. Với động đất cấp 4-5, sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam hầu như không đáng kể nhưng nếu là cấp 8, cấp 9, sẽ tạo ra sóng thần mà 2 giờ sau sẽ lan đến vùng biển tỉnh Quảng Ngãi và Phan Thiết, Bình Thuận. 20 phút sau cảnh báo sóng thần từ Philippines Việt Nam mới nhận thông tin và chỉ có 1 giờ 30 phút để phòng chống nhưng vấn đề là làm sao đưa thông tin này đến với người dân một cách nhanh nhất trong bối cảnh hệ thống cảnh báo dọc bờ biển vẫn chưa an toàn. Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, thiên tai các nước cho ta nhiều bài học quý báu, trong đó việc ứng dụng tối đa công nghệ truyền thông mới để giảm nhẹ thiên tai là điều đáng nói.

 

Diễn tập phòng chống lụt bão tại huyện Cần Giờ

 

Nhưng vấn đề không chỉ là đầu tư, tăng cường năng lực cảnh báo mà còn là cách tổ chức hệ thống thông tin để chuyển tải đến người dân nhanh nhất. Hiện nhiều nước đã trang bị hệ thống thông tin cấp thời đến từng số điện thoại và tự động kích hoạt các đài radio, truyền hình tại các nhà người dân. Do vậy, cần thay đổi căn bản về công nghệ thông tin để đưa thông tin đến người dân với tốc độ nhanh nhất có thể mặc dù hiện nay thông tin đã được đưa nhanh hơn trước nhưng vẫn là dạng thông tin tương đối thủ công. Hiện Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đang triển khai dự án thử nghiệm cảnh báo sóng thần tại TP Đà Nẵng, thông qua điện thoại di động, phát nhanh thông tin cho cán bộ lãnh đạo và người dân vùng có nguy cơ sóng thần.

 

Dù Việt Nam không nằm trong vành đai động đất và núi lửa nhưng những năm qua, động đất cấp độ nhẹ xảy ra nhiều hơn. Năm 2010, đầu năm 2011 số lượng động đất ở Việt Nam xảy ra nhiều hơn như ở Cao Bằng, một loạt động đất ở Thanh Hóa, Nghệ An, TP Vũng Tàu, TP Phan Thiết… Trong đó, ngày 31-12, trận động đất cấp 5,5 ở Thanh Hóa gây nứt đất, nhà cửa. Ngày 2-1 và 6-3 xảy ra động đất nhẹ và trận động đất ngày 24-3 ở Myanmar làm Hà Nội rung chuyển.

 

Lũ về nhanh hơn, mặn xâm nhập sâu hơn

 

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mấy năm qua, mùa nước nổi (lũ hiền) ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng ít đi. Năm 2010, gần như không có lũ về, gây khó khăn cho việc sản xuất lúa đông - xuân. Dự báo năm nay mùa nước nổi ở đây sẽ lớn hơn năm 2010 nhưng vẫn ở mức thấp so với nhiều năm trước. Bão lũ, động đất, sóng thần gây thiệt hại nặng nề và nhanh chóng nhưng có một thiên tai cũng ngày càng rõ ràng đó là hạn và mặn vào mùa khô tại các tỉnh ven biển, đặc biệt hiện nay ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa cả nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, chất lượng sống của người dân.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Anh Tuấn cho biết, nỗi lo hiện nay của người dân Bến Tre và các tỉnh ven biển Nam bộ là vấn nạn xâm nhập mặn tại các cửa thuộc hệ thống sông Cửu Long. Tình trạng này vào mùa khô 2010 - 2011 càng trở nên trầm trọng khi mà mặn vào sớm, sâu hơn và ảnh hưởng nặng nề hơn. Mới tháng 3 mà nước đã vào sâu 40 - 50km, nước mặn gần như bao quanh tỉnh Bến Tre. Đây cũng là nỗi lo của TPHCM, đô thị có số dân nhiều nhất cả nước bởi nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất phụ thuộc vào dòng sông Sài Gòn, nhánh của sông Đồng Nai. Tình trạng xâm nhập mặn sông Sài Gòn vào sâu và sớm hơn hàng năm buộc ngành chức năng phải sử dụng nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) để đẩy mặn ra khỏi khu vực nhà máy nước Tân Hiệp (Củ Chi). Nhưng mực nước hồ Dầu Tiếng mùa mưa năm 2010 tích chưa đạt mực thiết kế, hiện nay mực nước xuống thấp khoảng 19m so mức nước chết là 17,4m gây lo ngại cho nhiều giới.

Theo Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia, năm nay bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện sớm hơn năm 2010 (bắt đầu từ tháng 5 trở đi). Có khoảng 10 - 12 cơn bão nhiệt đới, trong đó có 5 - 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Nắng nóng và nhiệt độ cao so với năm 2010 sẽ ít hơn nhưng những đợt nắng nóng gay gắt vẫn có. Trong khi đó, mùa mưa sẽ bắt đầu sớm hơn ở hầu hết cả nước. Cuối tháng 4, đầu tháng 5 bắt đầu mùa mưa ở Nam bộ và Tây Nguyên.

 

Trong khi đó, dải đất miền Trung lại đương đầu với những đợt lũ (dữ) ngày càng ác liệt. Phó Chủ tịch UBND Hà Tĩnh Lê Đình Sơn, cho biết hơn 10 năm trước, khi mưa lớn, khoảng 10 giờ sau lũ (dữ) mới xuất hiện, giờ đây, chỉ sau 4 giờ là lũ đã tràn về. Điều này cho thấy, không chỉ do biến đổi khí hậu làm mưa bão cực đoan hơn (2 ngày mưa 1.900mm, xấp xỉ cả năm) mà chất lượng rừng, vốn là nơi dự trữ nguồn nước, ngày càng cạn kiệt do nạn phá rừng. Bên cạnh đó, việc phối hợp tích và xả lũ mùa mưa bão của các hồ thủy điện miền Trung và Tây Nguyên cũng góp phần gây hạn hay lũ nặng hơn cho vùng hạ lưu trong những năm qua.

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải từng nhấn mạnh, thiên tai tác động đến Việt Nam ngày càng cực đoan và khó dự báo hơn. Ngay cả thế giới cũng chưa có giải pháp hiệu quả trong việc phòng chống, vì vậy hơn ai hết tự thân chúng ta phải giải quyết. Phải nâng cấp, đầu tư hệ thống dự báo ngang tầm thế giới để hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Cần có hành động quyết liệt hơn về mặt truyền thông. Các địa phương bên cạnh việc hoàn thiện Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão cần hoàn chỉnh chương trình hành động trước tháng 6 và rà soát bổ sung phương tiện cứu hộ cứu nạn. Các bộ ngành cần kiểm tra hồ chứa thủy lợi và thủy điện. Nghị quyết 11 của Chính phủ không hạn chế đầu tư công trình phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn nên cần kiên quyết thực hiện và nhanh hơn. Bên cạnh đó, cần rà soát lại quy chế cảnh báo động đất, sóng thần. Kiểm tra khu trú đậu tàu thuyền các nơi, quản lý tiêu chuẩn xây dựng trước nguy cơ đông đất. Tất cả phương án sẽ là trên giấy nếu không diễn tập trước khi xảy ra thiên tai. Cảnh báo sớm và ý thức người dân là những yếu tố vô cùng quan trọng trong việc phòng chống thiên tai.

 

 

Theo Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm