Cập nhật: 27/04/2011 16:34:19 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chính phủ dự kiến sử dụng 10.000 tỷ đồng để tăng chi trả nợ do chênh lệch tỷ giá ngoại tệ và hoàn trả một phần các khoản vay ngắn hoặc đến hạn thanh toán.

Thông tin này được đưa ra trong báo cáo thẩm tra về “Phương án phân bổ, sử dụng nguồn vượt thu, dự toán chi ngân sách trung ương năm 2010” của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội trong phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội chiều 26/4.

 

Báo cáo thẩm tra nêu rõ theo tờ trình của Chính phủ, thu ngân sách nhà nước năm 2010 vượt 21,2% (tương đương với 97.670 tỷ đồng) và tăng so với số đã báo cáo trình Quốc hội 31.070 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2010 là năm khá biến động nên Chính phủ đề nghị bổ sung thêm ngân sách để chi trả nợ, tái đầu tư, khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt…

 

 

Tại kỳ họp trước, Chính phủ trình Quốc hội tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2010 so với GDP là 5,6%, giảm 0,6% so với dự toán. Trong đó, Chính phủ dự kiến dành 10.240 tỷ đồng vượt thu của năm 2010 để giảm bội chi về mức 109.640 tỷ đồng. Sau khi rà soát lại, do GDP thực tế tăng hơn 30.000 tỷ đồng nên Chính phủ đề nghị dành thêm 8.260 tỷ đồng vượt thu để giảm bội chi ngân sách về 5,6%, khi đó số bội chi tuyệt đối là 111.440 tỷ đồng.

 

Chính phủ cũng đề nghị dành 10.000 tỷ đồng tăng chi trả nợ do biến động tỷ giá ngoại tệ và hoàn trả một phần các khoản vay ngắn hạn đến hạn thanh toán. Đa số các ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách đều nhất trí với nguyên tắc phân bổ số thu, dự toán ngân sách theo hướng giảm bội chi, tăng trả nợ, góp phần tăng cường an ninh tài chính quốc gia, giảm mức dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia.

 

Tại cuộc họp chiều qua, đa số ý kiến đại biểu quốc hội đều tán thành báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách. Các đại biểu cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khoản chi nào cũng được cho là cần thiết, là đáng quý. Vấn đề còn lại là các khoản chi có minh bạch, có đến trực tiếp được người nghèo hay nó cứ bị chảy đi đâu… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhất trí nên tăng khoản chi cho các hoạt động an ninh quốc phòng.

 

Chính phủ đề nghị bổ sung kinh phí cho Bộ Quốc phòng 750 tỷ đồng và Bộ Công an 500 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết như mua sắm trang thiết bị hiện đại cho Viện Quân y 108 để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ. Đa số các ý kiến cho rằng quốc phòng, an ninh đóng vai trò quan trọng nên đề nghị Chính phủ bổ sung tăng thêm 100 tỷ đồng và nâng khoản phân bổ sự kiến lên 850 tỷ đồng.

 

Theo kế hoạch, năm 2011, ngân sách Nhà nước sẽ dành hơn 1.000 tỷ đồng để mua dự trữ 102.000 tấn gạo. Các đại biểu quốc hội đều nhất trí rằng một đất nước xuất khẩu gạo không thể để dân bị đói nên mua dự trữ lương thực là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu Lê Quang Bình cho rằng hiện nay kho dự trữ lương thực của Việt Nam không đảm bảo, cơ sở hạ tầng bị xuống cấp. Do vậy, việc mua thêm 102.000 tấn gạo bổ sung cần phải xem xét lại để tránh chuyện, kho không đảm bảo, lương thực bị mối mọt, hỏng hóc.

 

Cũng đồng tình với quan điểm này, đại biểu Hà Văn Hiền cho rằng Chính phủ cần có kế hoạch chi tiêu rõ ràng, các khoản chi cần hợp lý để tránh bội chi quá nhiều. Ngoài ra, Chính phủ cần biết ưu tiên đối với lĩnh vực công trình cần thiết như bệnh viên, trường trạm, các khoản chi cũng cần phải “ra tấm ra món” để tránh hiện tượng đâu cũng được đầu tư, những chỗ nào cũng có công trình, dự án dang dở.

 

Liên quan đến việc mua 102.000 tấn gạo dự trữ, ông Hiền nêu quan điểm Việt Nam là nước thường xuyên xảy ra thiên tai lũ lụt nên việc mua lương thực dự trữ là cần thiết. Vấn đề là Chính phủ cần chọn lựa thời điểm thích hợp để tránh mua phải giá cao. Đồng thời, Chính phủ cũng cần tính toán bố trí một khoản thích hợp để sửa chữa cơ sở hạ tầng, đảm bảo cho việc dự trữ.

 

 

Theo VnExpress.net

Tệp đính kèm