Cập nhật: 29/04/2011 15:51:28 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vụ hè thu năm nay, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Bắc Trung bộ (BTB) có thể sẽ xảy ra nắng nóng gay gắt kéo dài, đồng thời sẽ xuất hiện mưa lũ sớm gây hại cho sản xuất. Bên cạnh đó, sâu bệnh ở vụ hè thu, đặc biệt là rầy nâu, lùn sọc đen, sâu cuốn lá nhỏ... thường gây hại trầm trọng hơn trong các năm gần đây.

Để đối phó với những khó khăn trên, hôm qua (28/4), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến Sơ kết sản xuất lúa vụ đông xuân 2010 – 2011, triển khai kế hoạch vụ hè thu, vụ mùa 2011 và định hướng sản xuất vụ đông 2011 tại các tỉnh ĐBSH và BTB.

 

Nguy cơ thiếu giống

 

Theo Cục Trồng trọt, giá thóc đang ở mức cao, có lợi cho người nông dân sẽ là động lực để người dân tích cực đầu tư thâm canh sản xuất lúa trong vụ hè thu. Có nhiều giống lúa mới, ngắn ngày thích hợp với vụ hè thu, nguồn vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp dồi dào.

 

Nhưng cũng như mọi năm, vụ hè thu luôn đối mặt với các khó khăn như: Nắng nóng gay gắt và kéo dài, mưa lũ thường xảy ra, gây hại nặng cho sản xuất.

 

Vận hành trạm bơm dã chiến tại xã Phú Lộc để cung cấp nước ngọt chống hạn cho các xã Minh Lộc, Hải Lộc và Hưng Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

 

Hơn nữa, vụ lúa đông xuân 2010-2011 dự kiến sẽ thu hoạch muộn hơn mọi năm cũng gây khó khăn cho việc chuyển giống từ vụ đông xuân sang vụ hè thu, đồng thời làm giảm thời gian sản xuất lúa mùa, lúa hè thu năm 2011, dẫn tới nguy cơ bị ảnh hưởng của mưa lũ cuối vụ và sâu bệnh rất lớn.

 

Theo Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSH và BTB, do thời tiết rét đậm kéo dài trong vụ đông xuân 2010-2011 nên vụ mùa, hè thu phải đối mặt với nguy cơ thiếu giống.

 

PGĐ Sở NN&PTNT Thanh Hóa Nguyễn Xuân Sang cho biết, rét đậm, rét hại, xâm ngập mặn lớn, vùng khô hạn tăng lên nên vụ đông xuân của tỉnh gặp nhiều khó khăn, 400 tấn lúa giống, 4.000 ha lúa bị chết, tổng thiệt hại 25 tỷ đồng.

 

Để hạn chế việc thiếu giống, nhiều tỉnh đã tích cực chuẩn bị nguồn lúa giống, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ mùa vụ. Tỉnh Hà Tĩnh đã chuẩn bị được gần 1.000 tấn lúa giống nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 30%, Nghệ An cũng chuẩn bị được 700 tấn lúa giống.

 

Theo Sở NN&PTNT Hải Dương, nhiều tỉnh miền Bắc xảy ra hiện tượng thiếu giống, nên có thể phải vào các tỉnh miền Trung và miền Nam để mua giống. Do vậy, Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo các địa phương để tránh tình trạng lộn xộn, tranh mua giống.

 

Tổng diện tích lúa vụ đông xuân 2010-2011 tại các tỉnh ĐBSH và BTB đạt 900.000 ha, giảm 11.000 ha so với năm trước. Dự kiến năng suất lúa thấp hơn 0,4 tạ/ha, sản lượng lúa cả hai vùng ước đạt trên 5,4 triệu tấn, giảm hơn 100.000 tấn so với vụ trước.

 

Theo đại diện Hiệp hội Giống cây trồng, năm nay sẽ không thiếu giống, mặc dù thời tiết rét nhưng có tỉnh đã cấy vượt diện tích, nên vụ hè thu sẽ ít xảy ra thiếu giống, nhưng chất lượng có thể chưa đảm bảo. Còn nếu thiếu giống thì chuẩn bị giống lúa gặt ngay để gieo. Bộ NN&PTNT cần hướng dẫn kỹ thuật cho người dân.

 

Về lâu dài cần có chương trình sản xuất giống, có chương trình liên kết miền Bắc và miền Nam để sản xuất giống, tránh tình trạng thiếu giống trong tương lai.

 

Đối phó với thời tiết

 

Theo phản ánh của hầu hết các địa phương, do thời tiết năm nay bất thường, rét đậm, rét hại kéo dài nên lúa đông xuân trổ muộn, do vậy, thời gian làm vụ hè thu bị ngắn lại, gây khó khăn cho người dân, nguy cơ tiềm ẩn sâu bệnh: Rầy, lùn sọc đen… vẫn lớn. Bên cạnh đó, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho sản xuất như: Lụt bão có thể đến sớm, nguồn nước tưới tại các hồ đập mới chỉ đủ cho gieo cấy đầu vụ, nếu trong vụ không có lũ tiểu mãn thì sẽ gặp khó khăn.

 

Theo Sở NN&PTNT Nghệ An, có một khó khăn nữa là nguồn điện để phục vụ tưới tiêu. Nếu không được cấp đủ điện, việc tưới nhiều lúc bị gián đoạn, ảnh hưởng tới sản xuất.

 

Đối với công tác chống hạn hán, lũ lụt năm nay, ông Duy Hiển - Vụ phó Vụ Quản lý thủy nông (Bộ NN&PTNT) cho biết, ĐBSH nên phòng chống úng là chính, ĐBSH có 70.000- 80.000 ha vùng trũng, Bộ NN&PTNT nên khuyến cáo sử dụng giống lúa cao cây, chống úng tốt. Ở miền Trung chống hạn hán, những nơi không đủ nguồn nước thì chuyển đổi giống cây trồng để giảm thiệt hại và giảm những chi phí không cần thiết. Ngoài ra nên áp dụng tưới nước theo kiểu phun mưa.

 

Theo ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, các địa phương phải theo dõi chặt chẽ dự báo thời tiết và tình hình sâu bệnh hại, có kế hoạch phòng chống kịp thời, chủ động bố trí lịch gieo cấy, cơ cấu giống và các giải pháp kỹ thuật phù hợp, chuẩn bị đủ giống và vật tư chất lượng tốt cho vụ hè thu, vụ mùa tiếp theo.

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng yêu cầu, Cục Trồng trọt có văn bản hướng dẫn chăm sóc lúa đông xuân, lúa mùa, hè thu. Trong đó, có 2 việc cần chú ý là: Kiểm soát sâu bệnh; không để gây thiệt hại và điều chỉnh nước tưới chống hạn hán.

Chuẩn bị giống cực ngắn để chạy lụt, phải cung cấp đủ cho các địa phương, chủ yếu tập trung cho Bắc Trung bộ (dưới 100 ngày). Các địa phương chỉ đạo người dân thu hoạch lúa đông xuân sớm, làm đất nhanh và làm mạ trước.

 

 

Theo Tintuc Online

 

Tệp đính kèm