Cập nhật: 02/05/2011 15:46:34 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đã gửi hồ sơ thi Đại học, nhưng Nguyễn Hoài Thanh – cô học sinh lớp 12 trường Phổ thông trung học Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) vẫn băn khoăn với sự lựa chọn của mình. Là “dân” khối C, trường thì nhiều nhưng cứ hễ định chọn trường nào, Thanh lại sợ “đầu ra” sẽ “bí.”

Cũng như Thanh, nhiều học sinh khác cũng lâm vào cảnh tương tự, khi mà định hướng nghề nghiệp cho tương lai không được rõ ràng.

 

Lo đầu ra…

 

Trò chuyện với phóng viên Vietnam+, Thanh tâm sự từ Tết Nguyên đán tới giờ, em luôn đau đầu chuyện chọn trường nào để thi vào Đại học.

 

Với học lực khá, đặc biệt là khối C, Thanh nói mình đủ tự tin để ghi danh vào các trường như Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội… Thế nhưng, điều khó khăn xảy ra với em là câu chuyện “đầu ra.”

 

“Nhà em nghèo, bố mẹ bảo sẽ không có tiền để ‘chạy chọt’ vào làm chỗ nọ, chỗ kia nên em sẽ phải tự lo sau khi ra trường. Bởi vậy, việc đăng ký thi vào trường nào cần phải cân nhắc, nhất là dân khối C như bọn em khó tìm trường lắm anh ạ,” Thanh nói.

 

Cũng giống như Thanh, Nguyễn Văn Trường, trường Phổ thông trung học Thường Tín (Hà Nội) cũng vò đầu bứt tai trong việc chọn trường. Năm học lớp 11, Trường được người chú ruột định hướng thi vào ngành tài chính bởi nhờ mối quen biết xã hội, sẽ dễ xin việc.

 

Thế nhưng, khi Trường học lên lớp 12 cũng là lúc người chú vĩnh viễn ra đi trong một vụ tai nạn. Bởi thế, việc chọn nghề nghiệp tương lai giờ Trường phải tự quyết định. Bố mẹ em là nông dân, đầu tắt mặt tối với ruộng đồng không thể tư vấn cho đứa con trai những kiến thức cần thiết.

 

Trường kể, nhiều ngày nay em lên mạng tìm hiểu xem nghề nào thiếu, thừa để biết cách mà xin việc, nhưng cũng chẳng thu được thông tin là bao. Hỏi ý kiến từ thầy cô giáo, Trường cũng chỉ nhận được sự gợi ý chung chung là “nếu học giỏi thì thiếu gì việc làm.” Đi hỏi các anh chị cùng xóm đang học Đại học, thì cũng chỉ nhận được cái lắc đầu ngao ngán bởi “ốc còn chẳng mang nổi mình ốc, nữa là tư vấn cho… rêu.” Nhiều người học xong Đại học, chưa xin được việc đành đi làm gia sư hoặc làm trái nghề để kiếm sống,” Trường chán nản nói.

 

Vẫn theo lời cậu học sinh này, nhiều bạn cùng lớp của Trường cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nói về học lực của mình, Trường bảo nếu thi vào các trường thuộc khối quân đội, công an thì đầu ra sẽ không quá lo ngại. Tuy nhiên, là con một, lực học lại không thực sự tốt nên em không đủ tự tin thi vào các trường kể trên.

 

Bởi vậy, Trường đã nộp đơn vào Đại học Kinh tế Quốc dân. Nếu đỗ, em sẽ vừa học vừa tính đầu ra, còn nếu không sẽ xin vào một trường cao đẳng, trung cấp nghề để học.

 

Thiếu kênh tư vấn

 

Thực tế cho thấy, không hiếm những học sinh đến “giờ chót” nộp hồ sơ thi Đại học vẫn còn loay hoay trong việc định hướng nghề nghiệp cho mình. Trong khi đó, việc định hướng cho học sinh ngay khi các em còn ngồi trong ghế nhà trường vẫn còn bị bỏ ngỏ.

 

Thanh bảo rằng, em và các bạn chưa từng được tiếp cận với bất kỳ kênh tư vấn nào của xã hội, ngoại trừ việc lên mạng tìm hiểu. Thế nhưng, thế giới mạng là cả một mớ hỗn độn về thông tin, nên để lựa chọn cho mình một định hướng rõ ràng là rất khó.

 

“Em đã từng vào những trang web giới thiệu việc làm để tìm hiểu, thấy ngành nghề nào cũng cần. Nhưng họ lại cần nhân lực có trình độ cao, yêu cầu về kinh nghiệm… Như vậy rất khó cho sinh viên mới ra trường,” Thanh nói.

 

Bởi vậy, các em đều mong muốn ngay từ khi ngồi trong ghế nhà trường đã được định hướng nghề nghiệp. Bởi như vậy, các em sẽ thêm nhiều kênh tham khảo để lựa chọn trường, công việc tương lai phù hợp với khả năng, nguyện vọng của mình.

 

Nhìn thẳng vào vấn đề này, Dự thảo lần thứ 1 của Báo cáo tổng hợp “Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu rõ, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vấn đề dự báo cung cầu nhân lực cho toàn bộ nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực trong từng thời kỳ chưa làm được.

 

“Do đó, chúng ta không biết rõ đang thiếu, thừa nhân lực trong lĩnh vực, trình độ, ngành nghề nào.” Bên cạnh đó, việc đào tạo nhân lực của các cơ sở đào tạo trong thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực trong nền kinh tế và gây lãng phí nguồn lực.

 

Đặc biệt, công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh chưa tốt. Phần lớn sự hướng nghiệp cho học sinh là do gia đình hoặc tự bản thân học sinh lựa chọn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”…

 

 

Theo TTXVN/VIETNAM+

Tệp đính kèm