Cập nhật: 05/05/2011 15:35:46 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiều phụ huynh không để ý đồ chơi nhỏ, tròn, sắc nhọn khiến trẻ nuốt, chảy máu, tắc đường thở; bà cháu cùng cười đùa trong lúc ăn khiến cháu bị hóc hạt… Có rất nhiều nguyên nhân gây tai nạn thương tích ngay tại nhà - môi trường an toàn nhất cho trẻ mà nguyên nhân lớn nhất xuất phát từ sự bất cẩn của chính các bậc phụ huynh.

Ngã cầu thang, gác xép không có tay vịn, thò tay vào ổ điện dưới thấp, không che chắn… là nguyên nhân của rất nhiều ca tai nạn thương tích trẻ em. Tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em (do tai nạn giao thông, đuối nước, bỏng, ngã, bạo lực trong gia đình, xã hội và tự tử...) là thứ "họa bất kỳ" mà không ai mong muốn và khó lường. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế số tai nạn thương tích trẻ em thường gia tăng đột biến vào dịp nghỉ hè, có thể nhận thấy rằng, một phần rất lớn những ca TNTT đau lòng của trẻ thường bắt nguồn từ sự bất cẩn và kém hiểu biết của người lớn.

ảnh có tính minh họa (Internet)

 

Nhà là nơi xảy ra tai nạn nhiều nhất

Dịp hè năm 2010, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận số ca bệnh nhi TNTT đau lòng tăng gấp đôi so với ngày thường. Các bác sỹ ghi nhận, nhà lại chính là nơi xảy ra rất nhiều ca TNTT trẻ em nhất. Nhiều phụ huynh cẩn thận để trẻ chơi trong phòng đã chặn cửa ra vào, lối đi, nhưng lại không để ý đồ chơi nhỏ, tròn, sắc nhọn khiến trẻ nuốt hoặc bị cứa đứt tay, chân; bà cháu cùng cười đùa trong lúc ăn nhãn khiến cháu bị hóc hạt nhãn.

 

Ngoài ra, ngã cầu thang, gác xép không có tay vịn, thò tay vào ổ điện dưới thấp, không che chắn… là nguyên nhân của rất nhiều ca TNTT trẻ em phải vào Bệnh viện.

 

Đặc biệt, ở nhiều vùng nông thôn, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong trẻ em cao nhất. Nhiều trẻ bị cướp đi sinh mạng hoặc mang thương tật suốt đời chỉ vì những nguyên nhân không đáng có. TNTT hiện đang là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong và tàn tật cho trẻ em.

 

Tại Viện Bỏng quốc gia, phần lớn số bệnh nhân luôn là trẻ em, đặc biệt là trong những ngày trẻ nghỉ hè, số bệnh nhi tăng gấp đôi và tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn, rất nhiều trẻ nhập viện bị bỏng sâu, phải điều trị lâu dài và chịu những di chứng nặng nề như sẹo xấu, sẹo co kéo, cắt cụt chi...

 

Trẻ em bị tai nạn bỏng dù trong hoàn cảnh nào thì nguyên nhân vẫn là do người lớn. Rất nhiều vật dụng trong nhà như đồ điện, bàn là, bếp, phích nước nóng, thức ăn nóng… sẽ gây bỏng nặng nếu người lớn lơ là không để mắt tới trẻ.

 

Cách sơ cứu đúng khi trẻ bị bỏng là ngâm chỗ phỏng bằng nước lạnh 15-20 phút để hạ nhiệt độ, sau đó băng chỗ phỏng lại và đưa ngay tới cơ sở y tế. Không chữa bỏng bằng kinh nghiệm rỉ tai như bôi kem đánh răng, vôi, muối, nước mắm… lên vết bỏng sẽ làm cho vết bỏng càng nặng hơn.

 

Người lớn cần thận trọng hơn

 

Dịp hè hàng năm, tại nhiều bệnh viện, số ca TNTT trẻ em nhập viện chủ yếu là bị gãy xương tay, chân do ngã, đi xe đạp, trượt patanh, chơi đùa… Đặc biệt, gần đây đã nổi lên số bệnh nhân bị TNTT do đi xe đạp "ruồi" với nhiều kiểu nhào lộn khác nhau.

 

Các bác sĩ khuyến cáo, dù Luật chưa bắt buộc, phụ huynh cần thiết cho trẻ đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy. Ở các nước có nền y học phát triển trên thế giới, trẻ em khi đi xe đạp, chơi trò chơi, trượt tuyết, trượt patanh… đều được khuyến khích đội mũ bảo hiểm.

 

Lý do trẻ em có đốt sống cổ yếu, việc đội mũ bảo hiểm có thể gây tổn thương là chưa thuyết phục. Điều quan trọng là phải đội mũ bảo hiểm đạt chất lượng an toàn và phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Hiện chưa có cơ sở khoa học xác định chính xác tuổi bắt đầu đội mũ bảo hiểm bắt buộc, nhưng bất kỳ trẻ nào đã có khả năng ngồi độc lập trên xe gắn máy thì nên đội mũ bảo hiểm.

 

Sắp đặt ngôi nhà an toàn cho trẻ

 

Theo Tổ chức Plan Việt Nam (Plan là một tổ chức phát triển cộng đồng làm việc với trẻ em và vì trẻ em), để phòng tránh TNTT cho trẻ, nhất thiết phải xây đắp cho trẻ một ngôi nhà an toàn.

 

Theo đó, ngôi nhà phải có cửa, cổng chắc chắn ngăn cách với đường, ngõ; ao hồ, hố vôi gần nhà phải có hàng rào bao quanh; giếng và dụng cụ chứa nước phải có nắp đậy an toàn; tay vịn cầu thang, ban công, cửa sổ phải có chấn song an toàn, có cửa chắn ở đầu và cuối cầu thang;các vật dụng như phích nước nóng, ổ cắm điện, diêm, bật lửa, vật sắc nhọn như dao, kéo… phải để trên cao, ngoài tầm với của trẻ; phải có cửa ngăn với nhà bếp, nếu bếp đặt trên sàn nhà phải có rào chắn; không để những đồ chơi nhỏ, vật dễ nuốt như đồng xu, bi, hạt lạc, nhãn… ở chỗ chơi của trẻ dưới 5 tuổi;các loại hóa chất độc hại phải bảo quản, tránh xa nguồn thức ăn, nước uống; tủ thuốc gia đình phải có đầy đủ nhãn mác, hướng dẫn sử dụng, để trong tủ khoá, ngoài tầm với của trẻ và có đủ phương tiện sơ cứu trong các trường hợp TNTT thông thường.

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm