Cập nhật: 15/05/2011 15:29:40 Article Rating
Xem cỡ chữ

Quá trình đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thời gian qua đã góp phần hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, trục lợi của một số cán bộ công chức. Nhưng cơ quan kiểm soát cũng cần sáng suốt để loại bỏ lợi ích cục bộ tại các thủ tục hành chính sẽ được ban hành trong tương lai, từ đó, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và uy tín của Đề án 30.

 

Trong khuôn khổ Đề án 30, Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã xác định được 4.737 thủ tục hành chính cần phải được đơn giản hóa. Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành 25 nghị quyết làm cơ sở pháp lý cho các bộ, các ngành ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi nhiệm vụ này. Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, các ngành phải tập trung nguồn lực xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản thực thi phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30.6.2011. Đồng thời, các bộ, các ngành phải thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động các thủ tục hành chính dự kiến được ban hành và việc lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục đối với dự thảo các văn bản có quy định về vấn đề này. Đây là việc làm nhằm bảo đảm nguyên tắc chỉ ban hành và duy trì các thủ tục hành chính thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất.

 

Quá trình cải cách thủ tục hành chính được thực hiện trong thời gian qua đã góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Mặc dù Đề án 30 mới được thực thi một phần, nhưng theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh của nước ta đã tăng 10 bậc, đứng thứ 78/183 nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, có thể thấy, sự cải cách về giấy tờ và quy trình thủ tục mới là điều kiện cần để tạo một hệ thống cơ quan hành chính phục vụ nhân dân. Điều kiện đủ là tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ công chức. Thực tế, sự phiền hà, tốn kém của người dân và doanh nghiệp trong khi thực hiện các thủ tục không chỉ do quy trình, giấy tờ phiền hà, mà còn do tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức tạo ra.

 

Nhưng có thể thấy, thay đổi thói quen, cung cách làm việc của một cá nhân hay tổ chức không khó. Khó khăn lớn nhất của việc cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính là sẽ đụng chạm đến lợi ích cục bộ của một bộ phận cán bộ công chức. Thực tế cho thấy, các quy định về thủ tục hành chính đang bị một số cán bộ công chức sử dụng làm phương tiện trục lợi cho cá nhân hoặc một nhóm lợi ích. Để có thể giải quyết thủ tục nhanh chóng, doanh nghiệp và người dân phải bôi trơn cho cán bộ bằng nhiều phương thức khác nhau. Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính đã xác định nhiều biện pháp để hạn chế thấp nhất tình trạng đưa nhóm lợi ích vào các thủ tục hành chính. Đặc biệt là xác định các tiêu chuẩn để cơ quan, ban ngành căn cứ vào đó xác định tính hợp lý, hiệu quả của thủ tục hành chính được ban hành. Nhiều ý kiến cho rằng, để loại bỏ triệt để các nhũng nhiễu cần có sự tham gia tích cực, phát huy vai trò giám sát, vai trò xây dựng, hoạch định chính sách của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

 

Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính đã góp phần hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, trục lợi của một số cán bộ công chức. Bởi thủ tục càng nhiều, càng rắc rối và nhất là lại chồng chéo, thì cơ hội cho họ hành dân, hành doanh nghiệp để trục lợi càng nhiều. Ngược lại, một khi thủ tục và quy trình trở nên đơn giản, minh bạch, thì cơ hội cho những cán bộ biến chất trục lợi sẽ ít đi. Dù vậy, cuộc đấu tranh xóa bỏ giấy phép con trong nhiều năm qua đã cho thấy, số lượng giấy phép con mới ra đời nhanh và nhiều không kém so với số bị bãi bỏ, cũng như khó phát hiện hơn. Các thủ tục đang được đơn giản hóa hay bãi bỏ có thể sẽ được thay thế bằng một hình thức mới. Điều này cho thấy, ngoài việc rà soát, đơn giản hóa những thủ tục hiện có, Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính cũng cần quan tâm đến những văn bản, thủ tục được các bộ, các ngành và các địa phương ban hành trong tương lai. Cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính cần sáng suốt để loại bỏ lợi ích cục bộ trong các thủ tục sẽ được ban hành, từ đó, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và uy tín của Đề án 30.

 

 

 

Theo Báo điện tử ĐBND

 

Tệp đính kèm