Bộ LĐTB và XH đã công bố kết quả điều tra hộ nghèo và hộ cận nghèo năm 2010. Theo đó, cả nước có khoảng hơn 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo.
Như vậy, mặc dù tăng 14% so với năm 2009 nhưng trong cả giai đoạn 2005-2010 nước ta cũng đã tiến một bước dài trong thực hiện chương trình giảm nghèo (tổng số hộ nghèo giảm 11,55% trong vòng 6 năm, từ 22% năm 2005 xuống còn 9,45% năm 2010).
Cả nước hiện có 5 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5% gồm: TP. Hồ Chí Minh (0,01%), Bình Dương (0,05%), Đồng Nai (1,45%), Bà Rịa - Vũng Tàu (4,35%), Hà Nội (4,97%). Trong đó TP. Hồ Chí Minh đứng đầu danh sách 5 địa phương này và là một trong những địa phương đã ban hành chuẩn nghèo riêng, cao hơn so với chuẩn nghèo quốc gia.
Những con số trên thể hiện quyết tâm của cả nước nói chung và của TP. Hồ Chí Minh nói riêng trong việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, nâng cao mức sống vùng nông thôn để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng và các nhóm dân cư, tạo điều kiện tốt nhất trong việc bảo đảm công bằng và an sinh xã hội.
Sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng xã hội là một trong những yếu tố tạo nên thành công của công tác xóa đói giảm nghèo. Chương trình giảm nghèo chuyển hóa từ một mục tiêu quốc gia, mục tiêu Thiên niên kỷ thành những hành động cụ thể của mỗi người. Trong suốt thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp, nhiều tổ chức và cá nhân sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của để giúp đỡ người nghèo, thể hiện đạo lý tốt đẹp của dân tộc: Tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Các địa phương, các ngành, các cấp cũng đã từng bước loại bỏ thái độ làm để lấy thành tích, để có những con số đẹp trong báo cáo. Và bản thân các hộ nghèo cũng đã có những chuyển biến sâu sắc trong nhận thức: Từ chỗ xin được vào hộ nghèo, thậm chí có những biểu hiện tiêu cực để được trở thành hộ nghèo, thì nay đã có nhiều hộ dân coi việc thoát khỏi danh sách hộ nghèo là một vinh dự, một nỗ lực đáng để tự hào. Nhờ sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức xã hội, những chính sách của Đảng, của Nhà nước trong việc hỗ trợ người nghèo đã tìm đến đúng đối tượng cần hỗ trợ.
Thực tế hiện nay, mức chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư vẫn còn khá lớn, đời sống người nghèo còn nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và áp lực về khoảng cách giàu nghèo, sự chênh lệch về mức sống càng trở nên khắc nghiệt hơn trong đà trượt giá và lạm phát của cả nước như thời gian qua.
Do đó, giảm nghèo bền vững vẫn là một trọng tâm của Chính phủ trong giai đoạn 10 năm tới. Nghị quyết 80/NQ- CP về Định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2020 (ban hành ngày 19-5-2011) thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc duy trì và phát huy thành quả của công tác giảm nghèo. Theo Nghị quyết này, giải quyết vấn đề đói nghèo không chỉ đơn thuần về thu nhập mà còn được nhìn nhận một cách đa chiều, với những chính sách hỗ trợ mạnh về dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập; về giáo dục và đào tạo; về y tế và dinh dưỡng; về nhà ở… Đây là những giải pháp hy vọng sẽ tạo nên những đột phá trong cả nước về định hướng giảm nghèo bền vững./.
Theo Báo điện tử Kinhte VN