Cập nhật: 01/07/2011 16:30:29 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nơi nào được các cơ quan chức năng quan tâm chỉ đạo cụ thể, công khai, minh bạch, có biện pháp phù hợp vận động người dân và cộng đồng thì nơi đó chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở được triển khai hiệu quả.

Theo báo cáo từ Ban điều phối Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (Bộ Xây dựng), tính đến hết tháng 5/2011, cả nước đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho hơn 350 nghìn hộ, đạt tỷ lệ 68%, trên tổng số 512.475 hộ.

 

59 tỉnh, thành phố trên cả nước có đối tượng hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hầu hết các địa phương đã và đang triển khai tốt việc xây dựng nhà ở cho hộ nghèo.

 

Trong đó, 9 địa phương xuất sắc đã hoàn thành Chương trình trước thời hạn, gồm Ninh Bình, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông.

 

Ngoài ra, 14 địa phương đã hoàn thành trên 75%. Các địa phương còn lại đạt mức hoàn thành từ 12 -74%, thấp nhất là tỉnh Hưng Yên 12%.

 

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

 

Tại Thái Nguyên, nơi có 13.709 hộ được phê duyệt hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhà ở của các hộ nghèo đều được đảm bảo chất lượng.

 

Thái Nguyên đã hoàn thành toàn bộ chương trình này ngay trong năm 2010. Trong quá trình thực hiện, Thái Nguyên chú trọng các khâu điều tra, rà soát, bình xét, tất cả đều đặt dưới sự chỉ đạo toàn diện và trực tiếp của các cấp ủy, chính quyền các cấp.

 

Ban Chỉ đạo chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết, kinh nghiệm của tỉnh là cấp ủy, chính quyền, mặt trận cần quan tâm chỉ đạo cụ thể, tiến hành đúng đối tượng, đúng quy định, có biện pháp phù hợp để huy động sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, của cộng đồng dân cư, phát huy tốt truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc.

 

Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn để người nghèo có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, đồng thời có biện pháp động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ nghèo tự chủ vươn lên cùng với sự hỗ trợ của dòng họ và cộng đồng. Đây là cơ sở để đảm bảo công tác giảm nghèo và chống tái nghèo bền vững.

 

Huy động sức dân

 

Tại Khánh Hòa, để hoàn thành hỗ trợ cho 1.165/1.191 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 98%, Ban Chỉ đạo đã lập các Tổ công tác tuyên truyền ở những xã có nhiều hộ nghèo và Đội hỗ trợ xây dựng nhà ở giúp người dân làm thủ tục hỗ trợ, giám sát việc xây dựng nhà và xác nhận tiến độ xây dựng.

 

Đặc biệt, nhờ công tác tuyên truyền sâu rộng, nhiều hộ nghèo người dân tộc được hỗ trợ nhà ở huyện Khánh Sơn đã có sự chuyển biến về nhận thức, từ chỗ thụ động chờ Nhà nước xây dựng nhà rồi  vào ở, bà con dân tộc đã tự chủ đứng ra xây dựng nhà, giám sát việc xây dựng.

 

Nhiều nơi, UBND xã cắt cử cán bộ thực hiện thanh toán trực tiếp cho lực lượng thi công với sự chứng kiến của hộ nghèo được hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân kịp thời đúng quy định.

 

Nhiều địa phương đã vận động cộng đồng dân cư, dòng họ góp công, góp của hỗ trợ xây nhà, đồng thời vận động tích cực các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng bán vật liệu với giá thấp và cho trả chậm.

 

Còn theo Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk, tỉnh đã hoàn thành Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ cho 12.849 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 100%, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch đề ra.

 

Để có được kết quả đó, Đắk Lắk đã công bố 8 mẫu nhà ở cho người dân lựa chọn, đồng thời giao kinh phí cho các hộ tự quyết định xây dựng nhà của mình với vật liệu xây dựng sẵn có ở địa phương, góp phần giảm giá thành, tăng diện tích xây dựng.

 

Điều quan trọng nhất, theo kinh nghiệm của Đắk Lắk là người dân, cộng đồng ý thức được trách nhiệm trong việc tham gia vào chương trình, phấn khởi đón nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về chính sách an sinh xã hội thiết thực, hiệu quả này.

 

 

Theo Thế Phong/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm