Theo thông tin mới nhất từ Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM, đến nay trên cả nước đã có 766 xã và 206 huyện xây dựng điểm NTM trước khi nhân ra diện rộng.
Tín hiệu khả quan
Đến thời điểm này, 100% số tỉnh đều đã hoàn thành việc đánh giá sơ bộ thực trạng NTM theo 19 tiêu chí làm cơ sở để triển khai những bước tiếp theo. Có 47/63 tỉnh đã đánh giá chi tiết cho 6.500 xã, kết quả đánh giá chi tiết cho thấy 79 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; 217 xã đạt từ 12-14 tiêu chí; 849 xã đạt 8-9 tiêu chí, số xã đạt dưới 5 tiêu chí còn khoảng 2946 xã, chiếm 45%.
Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đã có kế hoạch và phân bổ xong vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các huyện, xã triển khai chương trình. Trong đó, nhiều tỉnh đã bổ sung kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương như: Hà Tĩnh, Lào Cai, Hải Dương, Vĩnh Long, Phú Thọ, Thái Bình… đồng thời ban hành các chính sách về tín dụng để tạo thuận lợi cho người dân vay vốn phục vụ xây dựng NTM.
Đối với 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự túc ngân sách giai đoạn 2011-2015, đến nay chưa được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương nhưng một số tỉnh đã chủ động bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương năm 2011, tổng số tiền lên tới 5.664,8 tỉ đồng. Điển hình là Hà Nội với 1.870 tỉ đồng, Vĩnh Phúc 1.013 tỉ đồng, TP. HCM 903 tỉ đồng, Quảng Ninh 870 tỉ đồng.
Nhìn chung, Ban chỉ đạo các tỉnh đã bám sát kế hoạch triển khai của Ban Chỉ đạo Trung ương, không những thế một vài địa phương còn chủ động sáng tạo trong xây dựng NTM như: Thái Bình đã triển khai quy hoạch cho 100% số xã và gắn quy hoạch sản xuất với dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới vào đồng ruộng; Tỉnh Tuyên Quang có chính sách hỗ trợ 100% xi măng, ống cống qua đường, công vận chuyển, kinh phí quản lí… cho xây dựng giao thông nông thôn; Hải Phòng hỗ trợ từ 15-20% kinh phí xây dựng cơ bản, hạ tầng kĩ thuật trang trại, cơ sở làm muối; hỗ trợ 20-30% lãi suất cho người dân vay sản xuất, nâng phụ cấp cho cán bộ thú y bằng mức lương tối thiểu của công chức; Bắc Giang cũng đầu tư 70 tỉ đồng để cải tạo giao thông nông thôn; Hà Giang hỗ trợ xi măng cho ác xã điểm làm đường giao thông và cho các hộ làm 3 công trình vệ sinh; An Giang ban hành quy chế khen thưởng các xã triển khai tốt chương trình và có phần thưởng cụ thể 1 công trình hạ tầng tương đương với 1 tỉ đồng…
Nhiệm vụ trọng tâm
Mặc dù Chương trình xây dựng NTM đang được triển khai đồng loạt tại khắp các tỉnh thành nhưng theo Ban chỉ đạo Trung ương thì chương trình đang còn một số vướng mắc. Thực tế cho thấy trong nhận thức từ Trung ương đến địa phương, từ cán bộ thực hiện chương trình cho đến người dân nông thôn chưa được trang bị đầy đủ thông tin để hiểu đúng và đủ về nội dung, phương pháp, cách làm. Có nơi, lãnh đạo địa phương khoán trắng việc triển khai chương trình cho ngành nông nghiệp nên các ngành khác gần như đứng ngoài cuộc hoặc tham gia rất hạn chế.
Cũng có địa phương xây dựng kế hoạch triển khai mang tính bình quân, thiếu định hướng chưa chọn được nội dung ưu tiên nên lúng túng trong xác định nhu cầu vốn cũng như bố trí lồng ghép vốn. Nguyên nhân một phần cũng do cán bộ triển khai chương trình từ Trung ương đến địa phương thiếu và yếu. Vì vậy để giải quyết những tồn tại nêu trên, Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải xác định nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2011, gồm:
- Thứ nhất, các Bộ, ngành cần sớm hoàn thành những hướng dẫn cần thiết. Bộ Tài chính sớm bổ sung thông tư hướng dẫn Nghị định 61 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, xác định rõ về cơ chế, nguồn vốn để lồng ghép triển khai các hạng mục công trình Nhà nước như: Đường giao thông nông thôn, trụ sở ủy ban, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa… Bộ Xây dựng cần có hướng dẫn về quy chế quản lí xây dựng cơ bản. Bộ Giao thông - Vận tải điều chỉnh hướng dẫn lựa chọn quy mô đường giao thông nông thôn.
- Thứ hai, để lấp “lỗ hổng” nhận thức về NTM cần hoàn thiện tài liệu và tổ chức các lớp tập huấn đội ngũ tiểu giáo viên để đào tạo cán bộ chỉ đạo và vận hành chương trình ở địa phương đồng thời tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong cư dân nông thôn giúp họ hiểu và tự giác tham gia vào công cuộc xây dựng NTM
- Thứ ba, các tỉnh phải tập trung hoàn thiện bộ máy tổ chức, triển khai Chương trình NTM ở địa phương: Thành lập BCĐ các cấp, Văn phòng điều phối cấp tỉnh. Cán bộ chuyên trách cho Văn phòng điều phối cấp tỉnh phải được bố trí đủ, ít nhất từ 5- 7 người. Đặc biệt, cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh cần dành ngân sách thỏa đáng cho NTM.
Chọn lọc triển khai trước những nội dung trọng yếu của chương trình: Về xây dựng quan tâm tới công trình trạm y tế, trường học, giao thông, điện, thủy lợi. Về sản xuất, nên lựa chọn từ 2-3 sản phẩm, nghề là thế mạnh của xã để tập trung phát triển hình thành sản xuất hàng hóa. Về văn hóa - xã hội - môi trường, tập trung vào chỉ đạo vệ sinh môi trường nông thôn mỗi hộ có đủ 3 công trình vệ sinh đạt chuẩn, tự cải tạo sửa sang nhà ở, cải tạo ao vườn để có thu nhập, chỉnh trang tường rào, cổng ngõ để có cảnh quan đẹp. Xây dựng quy ước làng xã về nếp sống văn minh.
Theo Kiên Cường/Báo điện tử NNVN