Xét đề nghị của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước để hỗ trợ các doanh nghiệp được phép đưa lao động đi làm việc ở Libya 50% khoản tiền môi giới doanh nghiệp phải hoàn trả cho người lao động; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp các chi phí đưa người lao động về nước, trong trường hợp doanh nghiệp đã chi trực tiếp.
Hỗ trợ các doanh nghiệp được phép đưa lao động đi làm việc ở Libya chi phí đưa người lao động về nơi cư trú mức 300.000 đồng/người lao động.
Trường hợp doanh nghiệp đã chi phí cao hơn mức trên thì được hỗ trợ theo hóa đơn, chứng từ chi thực tế. Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh Xã hội tổng hợp các chi phí trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Người lao động thuộc 62 huyện nghèo theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 được hỗ trợ thêm 50% so với mức hỗ trợ cho các đối tượng lao động khác từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Người lao động vay tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội được gia hạn nợ, khoanh nợ đối với khoản vay tín dụng trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội; nếu có nhu cầu được tiếp tục vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài theo quy định hiện hành.
Trước đó, vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3 vừa qua, do tình hình bất ổn tại Libya, hơn 10.000 người lao động Việt Nam tại Libya đã được đưa về nước an toàn.
Trường hợp những lao động Libya phải về nước là bất khả kháng, cả doanh nghiệp đưa lao động đi xuất khẩu và người lao động đều phải chịu thiệt thòi. Do đó, các phương án hỗ trợ lao động trở về từ Libya đã được Chính phủ chỉ đạo, các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp tích cực triển khai./.
Theo TTXVN/Vietnam+