Sáng nay, 4.8, Quốc hội tổ chức thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2011, quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009.
Các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao với các giải pháp được nêu ra trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế- xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm. Những giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ là đúng đắn và cần tiếp tục kiên trì thực hiện một cách nhất quán và cương quyết.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành và các địa phương đã thực hiện có hiệu quả về các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thắt chặt, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng qua đạt 38,3% GDP. Việc ổn định được tỉ giá đã góp phần làm tăng lòng tin của xã hội, của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi kinh tế nước ta. Chỉ số giá tiêu dùng bước đầu có chuyển biến theo hướng giảm kể từ tháng 5; xuất khẩu tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước, vượt khá xa kế hoạch đề ra là 10%.
Đại biểu Lê Đắc Lâm (đoàn Bình Thuận) cho biết: Cả 3 cơ quan lớn nhất của nước ta đều xác định ưu tiên hàng đầu của năm 2011 là kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo chính sách an sinh xã hội. Qua 4 tháng triển khai thực hiện, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự điều hành đồng bộ quyết liệt của Chính phủ, tình hình kinh tế xã hội những tháng gần đây chuyển biến tương đối rõ.
Thu ngân sách nhà nước tăng 22,8% so với năm trước, các chương trình đảm bảo an sinh xã hội cũng thực hiện đảm bảo tương đối đều, như hỗ trợ tín dụng cho người nghèo, cho vay xuất khẩu lao động, giải quyết trợ cấp thất nghiệp trợ cấp cho công chức nghèo…
Các đại biểu cũng phân tích những thuận lợi và khó khăn cho thấy việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2011 còn nhiều thách thức lớn, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, điều hành trong 6 tháng cuối năm phải tiếp tục kiên trì bám sát các nội dung kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, quyết liệt, đồng bộ trong chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện các giải pháp; trong đó tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm.
Từ nay đến cuối năm, Chính phủ tiếp tục nỗ lực phấn đấu để tốc độ tăng trưởng cả năm đạt mức hợp lý khoảng 6%, giảm dần lạm phát để CPI năm 2011 tăng ở mức 15- 17%, kiểm soát tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 15- 16%; kiểm soát nhập siêu cả năm không quá 15- 16% kim ngạch xuất khẩu; giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5%
Một số các ý kiến đại biểu cho rằng tình trạng lạm phát cao như thời gian vừa qua là do khu vực nông thôn chưa thực sự được quan tâm đúng mức, đặc biệt là phát triển sản xuất chăn nuôi tăng trưởng thấp, không có nhiều sản phẩm cung cấp cho thị trường. Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tăng đầu tư và hỗ trợ cho những nông dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến: "Có những thời điểm chúng ta sử dụng quỹ bình ổn giá rồi nhưng giá ở nơi bình ổn giá lại cao hơn giá bên ngoài. Đây là vấn đề mà chúng ta cần phải suy nghĩ trong khâu sử dụng quỹ bình ổn giá làm sao để người dân thực sự được hưởng. Tuy nhiên, nguồn lực thì có hạn, quỹ bình ổn giá thì không phải quá lớn để có thể bình ổn cho cả xã hội. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải hỗ trợ cho sản xuất để giảm giá thành sản phẩm ngay từ đầu vào, còn quỹ bình ổn giá chỉ là phần ngọn".
Về vấn để đảm bảo an sinh xã hội, các đại biểu cho rằng các bộ, ban, ngành và địa phương tiếp tục kiểm soát chặt chẽ thị trường, giá cả, bảo đảm ổn định cung- cầu hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống.
Đại biểu Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương) phát biểu: "Cắt giảm đầu tư công là cần thiết nhưng không nên cắt giảm vào việc đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân".
Trong nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, cần xác định giải pháp xây dựng nông thôn mới là một trong những giải pháp ưu tiên và tập trung chỉ đạo cả về đầu tư và coi đây là giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội cũng như phát triển kinh tế. Nhân dân và cử tri hết sức mong đợi việc phát triển nông thôn mới. Nhưng những giải pháp này trong giải pháp 6 tháng cuối năm lại không rõ về chủ trương, về giải pháp đầu tư vốn nhất là đầu tư cho việc xây dựng nông thôn mới.
Về các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hướng đến vùng nghèo, địa bàn huyện, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, người nghèo, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng khó khăn trong xã hội.
Đại biểu Vũ Công Tiến (đoàn Lâm Đồng) cho biết: "Hiện nay lạm phát còn tăng cao, giá cả biến động theo chiều hướng xấu nên tạo ra khó khăn chung cho xã hội, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Đây là vấn đề cần quan tâm, tập trung giải quyết từ nay đến cuối năm, tạo đà cho năm 2012 để chúng ta thực hiện tốt".
Tại các tổ, các đại biểu còn thảo luận và cho ý kiến đóng góp về giải pháp phát triển kinh tế xã hội về chính sách tiền tệ; chính sách tài khoá; chính sách thương mại, giá cả, thị trường; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; Giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội...
Chiều nay, 4.8, theo dự kiến chương trình, ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội trình bày Tờ trình về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Theo Đức Hiếu
Báo điện tử Dân Việt/Nông thôn ngày nay