Cập nhật: 11/08/2011 16:24:18 Article Rating
Xem cỡ chữ

Công cuộc xây dựng nông thôn mới hứa hẹn làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân. 

Từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới đến nay, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ra sức xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp... Công cuộc xây dựng nông thôn mới hứa hẹn làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân.

 

Tuy nhiên, nhìn nhận trên thực tế, trong quá trình thực hiện chương trình cũng đã đã bộc lộ những khó khăn mà điển hình là một số địa phương và người dân chưa nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chương trình cũng như vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới. Vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực bên ngoài.

 

Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Nguyễn Đăng Khoa, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương chương trình Xây dựng nông thôn mới về vấn đề này.

 

PV: Thưa ông, ông nhìn nhận quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như thế nào?

 

Ông Nguyễn Đăng Khoa: Tôi thấy rằng vùng Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 13 tỉnh có rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Đặc biệt là kinh tế hàng hóa như sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, chế biến. Đây là lợi thế của vùng để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tất nhiên, khu vực này cũng còn nhiều khó khăn, bất cập. Do vậy các địa phương phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể xây dựng thành công chương trình…

 

PV: Ông có nói về sự khó khăn, bất cập, thực tế còn nhiều địa phương trông chờ, ỷ lại cũng như chỉ dựa vào ngân sách nhà nước. Vậy ông nghĩ sao về vấn đề đặt ra này?

 

Ông Nguyễn Đăng Khoa: Tư tưởng chủ quan, trông chờ, ỷ lại là tâm lý chung của người nông dân Việt Nam. Một phần do cơ chế bao cấp trước đây để lại. Nhưng bây giờ xác định công cuộc này của dân, huy động sức của dân để phục vụ dân. Do vậy phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền để làm lay chuyển nhận thức người dân. Qua đó, thấy được ý nghĩa của việc hiến công, hiến sức, tiền của để xây dựng có lợi cho mình và con cái mình. Kinh nghiệm ở An Giang như Thoại Sơn đã làm tốt công tác xã hội hóa. Có những người dân hiến hàng ngàn m2 đất, có người hiến cả 4 cây vàng. Có người hỗ trợ làm cây cầu giá trị cả tỷ đồng. Qua đó, làm thế nào để người dân tin, tự nguyện, chính quyền, đoàn thể phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa.

 

PV: Có một vấn đề đặt ra là nhiều địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng bộ tiêu chí đặt ra chưa sát với thực tế vùng, miền. Vậy ông có đồng tình với quan điểm này?

 

Ông Nguyễn Đăng Khoa: Bộ tiêu chí đây là lần đầu các ngành đề xuất Chính phủ ban hành. Cho nên có thể chưa sát lắm với vùng miền. Thực tế ở Đồng bằng sông Cửu Long thì thủy lợi khác so với miền Bắc. Cho nên tiêu chí về thủy lợi hay nhà văn hóa xã, chợ nông thôn hoặc một số tiêu chí về cơ cấu lao động có thể còn chưa sát. Tuy nhiên, chỉ đạo của Thủ tướng là yêu cầu các địa phương làm hết sức mình rồi sau một thời gian sẽ có sự điều chỉnh. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục có chỉ tiêu là giao cho Chủ tịch UBND tỉnh tự quy định cho phù hợp với yêu cầu của từng vùng.

 

PV: Xin cảm ơn ông!./.

 

 

Theo Thanh Tùng/vovnews.vn

Tệp đính kèm