Cập nhật: 25/08/2011 16:26:29 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các địa phương đang khẩn trương tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay, chân, miệng để chuẩn bị năm học mới 2011 – 2012. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục chủ động thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các trường mầm non, nhà trẻ mẫu giáo.

 

Tại Cần Thơ, Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu của thành phố được củng cố, bổ sung thêm đội cơ động chống dịch. Cán bộ y tế đến trực tiếp các trường hướng dẫn cho giáo viên, học sinh nhận biết các triệu chứng, sự lây truyền bệnh tay, chân, miệng. Các cơ sở trường học được khuyến cáo chú ý vệ sinh dụng cụ học tập, đồ dùng dạy học, giữ gìn vệ sinh. Đến giữa tháng 8, TP Cần Thơ đã xảy ra 277 ca bệnh tay, chân, miệng, tăng 5,6 lần so cùng kỳ năm 2010. Bệnh đang có xu hướng tăng nhanh và diễn biến phức tạp, mặc dù chưa có trường hợp tử vong.

 

Trung tâm y tế dự phòng TP Đà Nẵng đã cấp bổ sung 1 tấn hóa chất và 100.000 viên Chloramin B cho 700 trường mẫu giáo và các cơ sở giữ trẻ trên địa bàn để tẩy rửa lớp học, đồ dùng học tập phòng chống bệnh tay, chân, miệng. Trung tâm cũng in hàng ngàn tờ rơi, băng rôn và các đĩa CD về cách phòng chống dịch bệnh để gửi trực tiếp tới các lớp học, đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các cô nuôi dạy trẻ cũng như cán bộ y tế cơ sở về nâng cao kiến thức trong công tác phòng chống dịch bệnh cho trẻ em ở trường học.

 

Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh Nguyễn Đắc Thọ cho biết, Trung tâm sẽ phối hợp với ngành giáo dục tổ chức huấn luyện cho 100% ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên y tế các trường học cách phòng chống bệnh tay, chân, miệng cho trẻ. Tại các lớp huấn luyện, mỗi thầy cô sẽ được phát tài liệu hướng dẫn chi tiết, trong đó có những giờ thực hành và diễn thử. Đồng thời, Trung tâm Y tế Dự phòng cũng sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát trước, trong và sau ngày khai giảng.

 

Trước tình hình dịch bệnh tay, chân, miệng đang lây lan và diễn biến phức tạp, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thái Bình đã cấp 3 tấn Chloramin B cho 8 huyện, thành phố để các trạm y tế xã phối hợp vớái các trường học khử khuẩn lớp học kể cả khi chưa có dịch, nhất là tại các nhà trẻ, trường mầm non, trường tiểu học... Tỉnh cũng yêu cầu đối với các trường mầm non có từ hai trẻ mắc bệnh trở lên trong vòng 10 ngày, phải cho học sinh nghỉ học và khử trùng toàn bộ khu vực trường học. Tất cả các trường hợp nghi mắc bệnh và trường hợp có bệnh phải cách ly hoặc yêu cầu gia đình thực hiện các biện pháp cách ly.

 

Trong khi đó, theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Ts Nguyễn Văn Bình, trước khi bước vào năm học mới, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục chủ động thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các trường mầm non, nhà trẻ mẫu giáo. Tập trung chấn chỉnh và đẩy mạnh công tác truyền thông có hiệu quả, đặc biệt tuyên truyền đến từng hộ dân về việc vệ sinh tay chân bằng xà phòng diệt khuẩn cho trẻ dưới 5 tuổi, người trực tiếp chăm sóc trẻ cũng phải rửa tay thường xuyên ít nhất 10 lần/ngày – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh tại hội nghị tăng cường phòng chống bệnh tay, chân, miệng và triển khai chiến dịch phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại 20 tỉnh, thành phía Nam hồi đầu tuần. Bộ Y tế sẽ tổ chức 10 đoàn kiểm tra đến 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam, tăng cường tập huấn kỹ năng truyền thông, phòng dịch và điều trị để có những biện pháp phòng chống, phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả.

 

Theo ghi nhận của Cục Y tế dự phòng, các trường hợp mắc và tử vong do bệnh tay, chân, miệng tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam chiếm 80,0% số mắc và 90,1% số tử vong của cả nước; so với cùng kỳ năm 2010, tăng 5,2 lần, tập trung tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An; khu vực miền Trung là Quảng Ngãi. Các trường hợp mắc và tử vong tập trung chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi (chiếm 96%), đây là lứa tuổi đang đi nhà trẻ, mẫu giáo nên số mắc có thể gia tăng trong tháng tới trong khi các trường đã đồng loạt khai giảng. Trong khi đó, các biện pháp phòng chống dịch hiện nay hiệu quả chưa cao, tập trung chủ yếu vào công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh dụng cụ, đồ dùng học tập của trẻ.

 

 

                                                     

Theo Minh Nguyệt/Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm