Theo số liệu thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, toàn quốc đã xảy ra 53 vụ ngộ độc với 1.776 người mắc phải, trong đó có 9 trường hợp tử vong. Thực tế này cho thấy, tình hình vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước.
*Lào Cai: Trong nửa đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra gần 10 vụ ngộ độc thực phẩm với 38 người mắc phải, 3 người bị tử vong, trong đó có vụ ngộ độc tập thể làm 25 người mắc phải. Các lực lượng chức năng khác cũng đã phát hiện và xử lý gần 2.000 cơ sở vi phạm về An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), tổ chức thu hồi và tiêu hủy 1.231 kg thực phẩm không đảm bảo VSATTP và gần 600 lít thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Với đặc thù là một tỉnh biên giới nên tình trạng thực phẩm nhập lậu như rau, quả, gia cầm, trứng, thủy sản, thịt, nội tạng động vật… chưa qua kiểm dịch diễn ra khá phức tạp; các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng, thuốc bảo quản thực phẩm, các phụ gia thực phẩm vẫn nhập lậu qua biên giới và được bày bán công khai… Đây là những nguy cơ tiềm ẩn về ngộ độc thực phẩm.
*Thành phố (TP) Đà Nẵng: Theo báo cáo của Sở Y tế Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng đã tổ chức kiểm tra gần 5.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ liên quan đến thực phẩm, qua đó, phát hiện 726 cơ sở vi phạm VSATTP. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt tiền hơn 100 cơ sở với tổng tiền phạt trên 140 triệu đồng. Nguyên nhân của các sai phạm chủ yếu là: mua bán hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa hết hạn sử dụng, nhập lậu, kinh doanh thực phẩm giả không đảm bảo vệ sinh... Sở Y tế TP Đà Nẵng đã nêu ra nhiều bất cập cần giải quyết trong thời gian tới trong công tác thanh, kiểm tra như Nghị định về xử phạt hành chính đối với các sai phạm VSATTP chưa mang tính chất răn đe so với tình hình hiện nay; cán bộ VSATTP các tuyến cơ sở thường kiêm nhiệm công tác nên khi triển khai các hoạt động gặp nhiều khó khăn...
*TP. Hồ Chí Minh: Trong số 105 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tiến hành thanh, kiểm tra trong nửa đầu năm nay, Sở Y tế Thành phố đã phát hiện đến 85 cơ sở vi phạm (chiếm tỉ lệ 81%), trong đó, số bếp ăn tập thể và cơ sở cung cấp thức ăn sẵn vi phạm chiếm tỉ lệ cao. Điều đáng quan tâm là thanh tra Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh sau khi tiến hành thanh, kiểm tra đã phát hiện nhiều thực phẩm chứa hóa chất, phẩm màu độc hại; thực phẩm không rõ nguồn gốc; phát hiện nhiều mẫu mì, chả chứa hàn the; phẩm màu thực phẩm có chứa sudan; bún chứa formol và nước mắm nhiễm vi sinh. Thanh tra đã tịch thu, tiêu hủy hơn 4.500 quả trứng gia cầm, 63kg thịt heo, bò, dê không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch; 55kg bún, mì, chả không đảm bảo VSATTP; nhiều loại hóa chất, bột, rượu… hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng VSATTP.
*TP. Hà Nội: Một trong những hành vi vi phạm về ATVSTP nổi cộm của thành phố đã tiếp diễn nhiều năm nay là các sản phẩm đồ hộp bị sửa hạn sử dụng, nhất là đồ đông lạnh cũng đang báo động đỏ về vệ sinh thực phẩm. Chỉ trong thời gian ngắn, một chốt kiểm tra có thể phát hiện 4 xe hàng chở 15,5 tấn gia cầm không có nguồn gốc, xuất xứ; chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín) tràn lan gia cầm nhập từ Trung Quốc. Tại một số các siêu thị lớn của thành phố, cũng có nhiều vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm... Đặc biệt, trong đêm 23/8 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 11 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp cùng Cục Cảnh sát môi trường và Công an quận Tây Hồ đã phát hiện và thu giữ 100 thùng với tổng trọng lượng 2 tấn gồm các loại hương liệu cốm, đậu đỏ, đậu xanh, để phục vụ việc “chế” nhân bánh Trung thu nhập lậu từ Trung Quốc. Theo xác minh của các lực lượng chức năng, toàn bộ số hàng trên được mua trôi nổi trên biên giới rồi đưa về Hà Nội cung cấp cho các cơ sở sản xuất bánh Trung thu.
Thực trạng trên cho thấy, tình hình VSATTP ở nước ta vẫn hết sức phức tạp và còn gặp nhiều khó khăn. Theo phân tích của các chuyên gia y tế, nguyên nhân của thực trạng này là do chế tài xử phạt chưa nghiêm, không đủ mức răn đe, hầu hết ở tuyến huyện, xã chỉ xử lý ở mức nhắc nhở, cảnh cáo. Bên cạnh đó, năng lực kiểm nghiệm về chất lượng ATVSTP ở các địa phương còn yếu, số mẫu được kiểm tra tại các phòng thí nghiệm còn hạn chế, mất nhiều thời gian, gây ảnh hưởng đến việc ra quyết định xử phạt.
Nhằm giải quyết kịp thời vấn đề này, trong thời gian tới, đặc biệt trong dịp Tết Trung thu đang đến gần, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm đã tăng cường 6 đoàn thanh tra, kiểm tra đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên toàn quốc. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính về ATTP. Tại dự thảo Nghị định này, khung tiền phạt đối với hầu hết các hành vi vi phạm về ATTP được nâng lên so với trước đây, mức phạt cao nhất cho một hành vi vi phạm hành chính về ATTP tại dự thảo Nghị định mới là 100 triệu đồng. Đặc biệt, với một số hành vi vi phạm hành chính về ATTP mà tính nguy hại đối với xã hội lớn, mức phạt tiền có thể lên tới hàng tỷ đồng./.
Theo Đinh Phương/Báo điện tử ĐCSVN