Mực nước khu vực đầu nguồn ở ĐBSCL vẫn đang diễn biến phức tạp. Mực nước theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn An Giang đã có giảm nhưng vẫn duy trì ở mức trên báo động III.
Ở khu vực Xuân Tô - Vĩnh Gia trên kênh Vĩnh Tế tiếp tục lên với cường suất giảm dần trong ít ngày nữa, sau đó chững lại. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, lũ lớn vẫn đang tiếp tục gây nhiều thiệt hại về người và của. Các địa phương vùng lũ vẫn đang ra sức chống chọi và tiếp tục cho công tác khắc phục hậu quả.
Tại thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, khu vực đầu nguồn lũ, áp lực nước vẫn chảy xiết xoáy mạnh vào bờ gây sạt lở khu vực ngã ba sông Hậu, thuộc bờ xã Châu Phong. 3 điểm sạt lở ở ấp Phủm Xoài, Vĩnh Lợi 1 và Vĩnh Lợi 2 hiện đang bị thiệt hại nặng, làm mất trên 1.300 m2 đất, mỗi đoạn dài từ 30 m đến 100m và lấn sâu vào đất liền từ 5-7m, có 9 hộ dân bị mất nhà.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cảnh báo khu vực ấp Vĩnh Tường 1 (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) có nguy cơ sạt lở bờ sông Hậu đoạn dài 1,2km (có trên 100 căn nhà). Chính quyền xã kịp di dời 16 hộ ở vùng có nguy cơ cao đến nơi an toàn.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thị xã Tân Châu, đến nay địa phương xảy ra 8 điểm sạt lở làm mất gần 10 ngàn m2 đất ở các xã Tân An, Vĩnh Hòa, Châu Phong và Vĩnh Xương, có 265 hộ phải di dời nhưng vẫn còn 1.273 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu và các kênh rạch. Ông Nguyễn Văn Lên, Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu cho rằng, hiện sạt lở vẫn đang tiếp diễn. Vết nứt này hiện đang lan rộng, đe dọa nhiều khu vực kè.
Sạt lở vẫn cứ tiếp diễn đang là nỗi lo lớn cho các địa phương vùng lũ. Tại Đồng Tháp, ở các huyện Thanh Bình, Châu Thành, Cao Lãnh, tình trạng sạt lở đất ven sông đã gây nguy hiểm đến tính mạng nhân dân.
Nhiều diện tích hoa màu, ruộng vườn bị mất trắng. Mới đây, tại tuyến đê bao số 8, huyện Thanh Bình, đã vỡ một đoạn với chiều dài khoảng 15 mét, làm ngập 140 ha lúa thu đông đang ở giai đoạn trổ.
Tại xã Long Thuận huyện Hồng Ngự, ông Cao Quý Bình, Chủ tịch UBND xã cho biết sạt lở đã làm hư hại tuyến đường nhựa kết hợp với đê bao của xã, nhấn chìm 2 ha hoa màu của người dân trong nước lũ. “Những đoạn này đang bị sụt lún quá.
Bây giờ cho cơ giới vào để nơi nào làm được thì sức cơ giới, còn không thì sức người làm mọi cách để cứu vãn thiệt hại. Chúng tôi cũng yêu cầu là không được xuống giống một nơi nào khu vực ngoài đê bao”, ông Bình cho biết thêm.
Cùng với công tác chống lũ, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tiếp tục quyết định hỗ trợ kinh phí đợt 2, phục vụ công tác phòng, chống lụt bão cho 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tổng kinh phí đợt này là 13 tỷ đồng. Như vậy, đến nay UBND tỉnh đã hỗ trợ 19 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện công tác chống lũ.
Bên cạnh đó, hiện nay ở các địa phương vùng lũ, công tác hậu cần phục vụ cho lực lượng tham gia cứu đê bao cũng như hỗ trợ về vật chất cũng đã được người dân tham gia hưởng ứng nhiệt tình.
Những ngày qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp cũng đã đến thăm và biểu dương hành động dũng cảm của các cá nhân và tập thể để giúp dân gia cố đê bao, giảm thiểu những thiệt hại do lũ lớn gây ra. Đồng thời, động viên các địa phương tiếp tục khẩn trương gia cố các tuyến đê bao xung yếu, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân.
Theo Uyên Minh/ Văn Hóa Online