Cập nhật: 26/10/2011 16:06:54 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 25/10, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, thịt gia súc, gia cầm phục vụ dịp Tết Nguyên đán sẽ không thiếu.

 

Nguy cơ dịch gia súc, gia cầm bùng phát vẫn cao

 

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm, ông Hoàng Văn Năm – Quyền Cục trưởng Cục Thú y cho biết: hiện dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, dịch tai xanh đang được khống chế song nguy cơ dịch bệnh tiếp tục bùng phát là rất cao.

Về dịch cúm gia cầm, hiện nay cả nước không còn tỉnh nào có dịch tuy nhiên, hiện thời tiết thay đổi và bắt đầu chuyển lạnh, diễn biến bất thường làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm, nhiều đàn gia cầm đã hết miễn dịch, vi rút cúm lưu hành khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đã có biến đổi và chưa có vắc xin phù hợp, việc nhập lậu gia cầm vào trong nước tiêu thụ vẫn diễn biến phức tạp và gia tăng… Do đó, nguy cơ dịch tiếp tục xuất hiện trong giai đoạn hiện nay là rất cao.

 

Tương tự, dịch bệnh lở mồm long móng tiếp tục được các địa phương khống chế tốt, cả nước chỉ còn tỉnh Nghệ An có dịch và cũng đang được kiểm soát tốt nhưng vẫn còn nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh. Lí do được ông Hoàng Văn Năm đưa ra là do vi rút lở mồm long móng vẫn lưu hành rộng rãi trong đàn gia súc lành bệnh lâm sàng, bên cạnh đó gia súc được nhập lậu vào Việt Nam từ các nước xung quanh đang có dịch cũng có thể gây ra các ổ dịch mới.

 

Đáng chú ý, cả nước hiện còn 5 tỉnh có dịch tai xanh gồm: Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng và Quảng Nam. Dịch phát sinh tại các tỉnh này từ cuối tháng 8 đến nay đã khiến 24.707 con bị mắc bệnh, trong đó đã phải tiêu hủy 10.267 con. Ông Hoàng Văn Năm cho biết, tại 5 tỉnh trên thì dịch tại Sóc Trăng cơ bản đã được kiểm soát; dịch tại Quảng Nam, Tây Ninh, Tiền Giang đang có chiều hướng lây lan chậm dần và phát sinh lẻ tẻ; đáng lo ngại là dịch tại Long An diễn biến phức tạp.

 

Ông Hoàng Văn Năm đề nghị các địa phương có dịch tăng cường giám sát phát hiện ổ dịch và tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, công khai chính sách hỗ trợ dịch để người dân tự giác chấp hành các biện pháp theo quy định. Mặt khác, địa phương có dịch cần quản lý chặt ổ dịch, kiểm soát vận chuyển chặt gia súc, gia cầm ra khỏi vùng dịch.

 

Không thiếu nguồn cung thịt gia súc, gia cầm dịp Tết

 

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần đề nghị Cục Chăn nuôi làm rõ nguyên nhân thời gian qua tại giá thịt gia súc, gia cầm lại xuống thấp? “Giá thịt xuống thấp sẽ khiến bà con nông dân không còn mặn mà với việc tái đàn, điều này sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.” - Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần lo ngại.

 

Lý giải việc giá thịt gia súc, gia cầm thời gian qua giảm nhiều, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết có nhiều nguyên nhân. Đó là, từ tháng 6 đến tháng 7 năm nay, do nguồn cung thiếu hụt lớn dẫn tới giá các loại thịt đạt mức cao kỷ lục từ trước tới nay nên các tổ chức, cá nhân đã chăn nuôi nhiều gia súc, gia cầm, nguồn cung được cải thiện dẫn đến hiện tượng giá thực phẩm có xu hướng giảm trong một tháng trở lại đây. Mặt khác, tại các tỉnh miền Nam, miền Trung bị lũ lụt nhiều, các chủ chăn nuôi bán chạy nhiều gia súc, gia cầm để phòng tránh lũ lụt và e ngại giá thức ăn chăn nuôi sẽ tăng cao, dẫn đến nguồn cung vượt cầu trong thời gian ngắn.

 

Đáng chú ý, nhiều chuyên gia cho rằng ngành chăn nuôi bị tác động một phần bởi yếu tố đầu cơ, dẫn đến có sự chênh lệch lớn giữa giá nông dân (được hưởng) và giá người tiêu dùng (phải trả). Có sự chênh lệch này do thông tin không minh bạch, bởi vì có đến 80% nguồn cung thực phẩm hiện nay là từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, dẫn đến có lúc thiếu hụt nguồn cung cục bộ, khiến cho thương lái lợi dụng để đầu cơ tăng, giảm giá.

 

Tuy nhiên, theo nhận định của đại diện Cục Chăn nuôi, thực ra, cho tới thời điểm này giá bán thịt heo hơi khoảng 50.000 đồng/kg thì vẫn có lãi; còn giá thịt gà với mức giá bán khoảng 30.000 đồng thì lỗ.

 

Theo dự báo của Cục Chăn nuôi, với đà tăng trưởng như hiện nay, từ nay đến cuối năm nguồn cung sản xuất trong nước về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu./.

 

 

 

Theo Kim Thanh/Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm