Liên tục trong những năm gần đây, thời tiết, khí hậu có nhiều biến đổi bất thường, trong đó các đợt rét đậm, rét hại kéo dài đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Bước vào mùa đông, các địa phương đang tích cực chỉ đạo, vận động nhân dân tập trung thực hiện phòng, chống rét cho gia súc, bảo đảm cho đàn gia súc khỏe mạnh và phát triển.
Hòa Bình định hình 2 thói quen thiết yếu trong chăm sóc đàn gia súc
Theo thống kê, toàn tỉnh Hòa Bình hiện có 115.000 con trâu và 74.000 con bò.
Để bảo toàn thành quả của ngành chăn nuôi trong vụ đông - xuân 2011 – 2012, ngay từ cuối tháng 10/2011, khi chưa có đợt rét đậm nào xảy ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình đã đôn đốc sát sao công tác phòng - chống đói, rét cho gia súc vụ đông bằng một số biện pháp trọng tâm như: Tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm chống đói, rét cho các chủ hộ chăn nuôi trâu, bò; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có những chỉ đạo kịp thời, hiệu quả…
Được biết, đến thời điểm này, kế hoạch phòng - chống đói rét và dịch bệnh cho đàn gia súc mùa đông của tỉnh Hòa Bình đã được hệ thống thú y triển khai sâu rộng đến địa bàn các xã, thị trấn.
Đội ngũ thú y viên cơ sở đang tích cực bám sát địa bàn, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phù hợp với mục tiêu quan trọng là tạo được chuyển biến nhất định trong nhận thức và tập quán chăn nuôi của bà con nông dân, định hình cho họ 2 thói quen thiết yếu trong chăm sóc đàn gia súc:
Thứ nhất là, chống rét bằng cách che chắn và sưởi ấm chuồng trại, đảm bảo điều kiện vệ sinh.
Thứ hai là, chống đói bằng cách tận dụng tốt các phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, cám, sắn…) để làm thức ăn dự trữ cho gia súc trong những ngày mùa đông rét đậm, rét hại.
Cao Bằng: 35 tỷ đồng phòng, chống rét cho trâu, bò
Tỉnh Cao Bằng đang thực hiện Đề án “Chủ động phòng, chống rét cho trâu bò” giai đoạn 2011-2014 với kinh phí 35 tỷ đồng.
Đề án sẽ được thực hiện tại tại 460 xóm thuộc 13 huyện, thị trấn tỉnh Cao Bằng nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ trồng cỏ, máy thái thức ăn, xây bể ủ chua thức ăn; truyền thông phòng chống dịch bệnh cho trâu bò... Cụ thể, năm 2011 thực hiện thí điểm tại 60 xóm, năm 2012 triển khai tại 160 xóm; các xóm còn lại triển khai trong năm 2013-2014.
Tỉnh Cao Bằng cho biết, sẽ triển khai công tác tập huấn và truyền thông về kiến thức phòng, chống đói rét cho trâu bò đến tất cả hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng tại các huyện không nằm trong chương trình khống chế bệnh lở mồm long móng quốc gia; hỗ trợ tẩy ký sinh trùng, hỗ trợ thức ăn tinh được chế biến từ nhà máy thức ăn gia súc cho hộ nghèo và cận nghèo; thống kê hộ nghèo, cận nghèo chăn nuôi trâu, bò, số hộ cần hỗ trợ xây dựng chuồng trại...
Tuyên Quang: Nâng cao ý thức người chăn nuôi
Vụ đông xuân 2010 - 2011 vừa qua, tỉnh Tuyên Quang đã có 2.570 con gia súc bị chết, trong đó có 2.378 con trâu, 185 con bò (còn lại là ngựa, dê). Số trâu, bò bị chết tập trung nhiều ở các huyện Nà Hang 1.510 con, Lâm Bình 305 con, Chiêm Hóa 433 con.
Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, các cấp, các ngành, các địa phương tỉnh Tuyên Quang đã tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người chăn nuôi về công tác này.
Cụ thể là: Hướng dẫn các hộ chăn nuôi chuẩn bị chuồng trại đảm bảo diện tích nuôi nhốt trâu, bò 4-5 m2/con. Những hộ chăn nuôi với số lượng lớn, không làm được chuồng thì làm lán tạm ở những nơi ít gió lùa để đưa trâu, bò về vào những ngày rét đậm, rét hại.
Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi về kỹ thuật chế biến, dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong vụ đông. Tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp để chế biến, dự trữ thức ăn cho trâu, bò.
Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tiêm phòng vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm (lở mồm long móng, tụ huyết trùng...) cho 100% số trâu, bò trong diện phải tiêm phòng theo quy định của thú y; khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C phải nuôi nhốt trâu bò tại chuồng và chăm sóc chu đáo, tuyệt đối không thả rông ngoài đồng.
Theo Tuệ Văn/Chinhphu.vn